Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Như tôi đã sống'' - hành trình từ hồi ký đến truyện thơ

Lê Thị Bích Hồng| 05/03/2022 20:25

(HNMCT) - Dù trong thời chiến hay thời bình, Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp luôn đối mặt với gian khó, thách thức. Cuộc đời của ông được kể lại trong cuốn hồi ký “Như tôi đã sống”, gần đây cuốn hồi ký lại được chuyển thể sang truyện thơ lục bát.

Bìa cuốn sách “Như tôi đã sống”.

Hồi ký “Như tôi đã sống” của Nguyễn Đăng Giáp xuất bản năm 2013, được tái bản bổ sung năm 2020. Cuốn hồi ký khi đó đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết lời tựa: “Như tôi đã sống là cuốn tự truyện của một người con xứ Nghệ. Một “chiến mã Trường Sơn thời đánh Mỹ. Một chiến binh đầy quả cảm trên mặt trận xây dựng kinh tế. Một Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Một cuốn sách có những điều rất cần cho cuộc sống”.

Kết cấu cuốn sách gồm ba phần: Thân thế và sự nghiệp; Một tấm lòng trong những tấm lòng; Đời là thơ, là nhạc. Với 726 trang sách, cuốn hồi ký ghi lại hành trình từ chiến trường đến thương trường của Đại tá Đăng Giáp, có nhiều hình ảnh sinh động. Bắt đầu từ chiến sĩ lái xe, Nguyễn Đăng Giáp phục vụ đoàn 559, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào... Năm xưa gác bút nghiên lên đường đánh giặc, thì nay ở tuổi 42 (năm 1996), anh trở lại trường hiện thực hóa niềm đam mê học tập. Với sự thông minh, quyết đoán, nỗ lực phát huy nguồn tri thức thực tế vào nhiệm vụ quản lý, Xí nghiệp 36 bên bờ vực phá sản đã được Giám đốc Nguyễn Đăng Giáp cải tổ thành công. Ông thẳng thắn nêu bất cập: “Tôi có cảm giác 36 đang bị bó buộc bởi “tấm áo xí nghiệp” quá chật, không còn phù hợp với cơ chế của “tuổi dậy thì”, mỗi ngày lại vặn mình răng rắc. Cần phải cởi bỏ bộ trang phục này”. Sau đó, Xí nghiệp 36 không chỉ giải quyết được khoản lỗ mà doanh thu còn liên tục tăng trưởng, và được Bộ Quốc phòng quyết định chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Đầu tư xây lắp và Thương mại 36, rồi dần lớn mạnh thành Tổng Công ty 36 khẳng định thương hiệu trên thị trường xây dựng Việt Nam. Với những cống hiến ấy, Nguyễn Đăng Giáp vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào ngày 17-11-2010.

Thiên truyện đời ông qua ngòi bút của nhà báo Duy Tường đã được kể lại chân thực, sinh động. Nguồn chất liệu cuộc sống ngồn ngộn dựng lên chân dung người Anh hùng, doanh nhân thành đạt nhiều lần được tặng Giải Doanh nhân châu Á - Thái Bình Dương. Con người Nguyễn Đăng Giáp là sự hội tụ phẩm tính tốt đẹp từ người cha thanh liêm chính trực; từ người mẹ đôn hậu, tảo tần nuôi dạy 8 con trai trưởng thành... Những trang đời của nhân vật Nguyễn Đăng Giáp được viết thật xúc động. Đó là tình cha mẹ, tình anh em khi còn bé thơ, là người vợ tào khang nhân hậu, yêu chồng, thương con, luôn là hậu phương vững chắc, kề vai sát cánh, nuôi dạy con cái, sẻ chia cùng chồng bao thăng trầm suốt chặng đường đời.

Sau khi đọc hồi ký, nhóm tác giả Thanh Hải, Duy Tường, Mỹ Hạnh đã chuyển thể cuốn hồi ký sang truyện thơ “Như tôi đã sống” gồm 3.678 câu lục bát. Bám sát đặc trưng truyện thơ, nhóm tác giả đã kết hợp hài hòa hai yếu tố tự sự và trữ tình. Đặc biệt, các sự kiện ngồn ngộn, chi tiết bộn bề của văn xuôi đã được nhóm tác giả chuyển thể sang thơ không vắng mặt ai, không thiếu sự kiện nào. Đó là quê hương: “Một vùng xứ Nghệ địa linh”, là dòng họ: “Nguyễn Đăng dòng họ đất này”, là gia đình “Mẹ cha phúc đức hiền lành/ Để cho con cháu trưởng thành hôm nay”... Đó là chân dung “Trai tài giờ Dậu đêm rằm/ Tuổi nhằm Giáp Ngọ - tháng Năm - Hòa Bình”, từ “Cương cường cốt cách thông minh hiền hòa” đến quyết đoán “Đơn thương độc mã tự ta mở đường” mà bước vào hành trình mới “Thương trường đeo bám thân ta xế chiều”. Ngay cả hành trình của xí nghiệp 36 từ nguy cơ phá sản đến cổ phần hóa cũng được kể bằng thơ: “Âm ba tư tỷ tình hình đang nguy”, “Đưa thuyền Ba Sáu tung hoành bốn phương”, “Dựng nên Ba Sáu tượng đài tháng năm”...

“Như tôi đã sống” là bản hòa tấu truyện - thơ, kể về một cuộc đời nhưng đúc kết nhiều bài học thực tiễn, đồng thời cũng như một lời tri ân đến biết bao người thương xung quanh. Đằng sau mỗi con người thành công luôn có bóng dáng của hậu phương vững chắc: “Đời ta nếu có nợ nần/ Phải chăng là nợ tình thân bao người”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Như tôi đã sống'' - hành trình từ hồi ký đến truyện thơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.