(HNM) - Chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm (GQVL) của Ngân hàng Chính sách xã hội TP thời gian qua đã góp phần tích cực khôi phục các ngành nghề truyền thống, tạo việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động (NLĐ).
Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất, kinh doanh tượng gỗ của anh Hoàng Văn Kế, thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, một trong những thanh niên trẻ có chí lập nghiệp từ nghề truyền thống. Như có cơ duyên cộng với sự cần cù chịu khó, anh Kế đã đưa cơ sở sản xuất nhỏ với vài ba công nhân nay liên tục phát triển trở thành cơ sở sản xuất đồ tạc tượng có tiếng, chuyên cung cấp cho các tỉnh, thành trong cả nước. Trả hết vốn vay hộ nghèo, anh vay tiếp vốn vay GQVL để mở rộng sản xuất. Dư nợ của anh Kế từ chương trình vay vốn GQVL tăng từ 100 triệu lên 200 triệu và đến nay là 230 triệu đồng. Cơ sở của anh đã tạo việc làm cho 30 lao động với thu nhập từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Kế cho biết, vốn ưu đãi của NHCSXH cho vay như một chiếc phao cứu sinh để anh giữ được nghề trong giai đoạn khó khăn vừa qua vì lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn. Vay ngân hàng thương mại thì các cơ sở sản xuất nhỏ như các anh không thể kham nổi vì lãi suất cao.
Với vốn vay của NHCSXH Hà Nội, cơ sở sản xuất của gia đình anh Đào Đức Hoàng, phường Phú Thịnh, TX Sơn Tây đã giải quyết việc làm cho gần 100 lao động
.Ảnh: Sơn Tùng
Cũng như cơ sở của gia đình anh Kế, cơ sở gia công may của hộ gia đình anh Đào Đức Hoàng ở phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây được vay 300 triệu đồng từ chương trình GQVL để phát triển sản xuất, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Điều đáng nói là dù doanh thu của các cơ sở này từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng/tháng, nhưng sau khi trừ chi phí, trả tiền công cho lao động thì vợ chồng anh chỉ thu được trên dưới 10 triệu đồng/ tháng. Điều đó cũng chứng tỏ những dự án vay vốn GQVL mang tính cộng đồng rất cao, nếu không có lãi suất ưu đãi thì rất khó tạo việc làm ổn định cho NLĐ. Thực tế, hiệu quả từ đồng vốn vay tác động không chỉ với chủ cơ sở sản xuất mà cả với hàng trăm lao động (thường là quá tuổi để đi làm công nhân các khu công nghiệp), góp phần đáng kể xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương.
Nâng cao hiệu quả đồng vốn
Theo ông Đào Dũng Tuấn, PGĐ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thường Tín, chương trình cho vay GQVL đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn và thay đổi nhận thức của một bộ phận hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ chưa bắt kịp với phương thức sản xuất lớn. Từ đây, đã xuất hiện rất nhiều điển hình về làm kinh tế giỏi. Không những thế, thông qua sự tham gia bình xét cho vay và quản lý chương trình, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội càng có điều kiện đi sâu, đi sát cơ sở để gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh phong trào thi đua làm kinh tế giỏi ở các địa phương.
Hiệu quả từ chương trình cho vay GQVL đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Giám đốc Ngân hàng CSXH TP Bùi Quang Vinh nhận định: Năm 2011 là một năm ghi nhận nhiều kết quả của 10 chương trình tín dụng đối với người nghèo trên địa bàn TP, với tổng dư nợ gần 8.000 tỷ đồng. Bên cạnh vốn cho hộ nghèo, với gần 700 tỷ đồng cho vay chương trình GQVL, NHCSXH TP đã giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động ở khu vực nông thôn, đặc biệt là ở các huyện ven đô.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn đó những trăn trở của nhà quản lý nguồn vốn GQVL, bởi nguồn vốn dành cho chương trình này quá thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đơn cử như các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, nơi có nhiều làng nghề phát triển, trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến nhiều làng nghề lao đao như hiện nay, nguồn vốn GQVL của NHCSXH là động lực lớn để các hộ sản xuất vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, nguồn vốn từ chương trình này ở các huyện rất thấp, dư nợ đến hết tháng 12-2011 vừa qua ở huyện Thường Tín mới có hơn 18 tỷ đồng và hơn 16 tỷ đồng tại thị xã Sơn Tây, không thấm vào đâu so với nhu cầu thực trên địa bàn. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần tăng cường nguồn vốn này để vừa đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo, vừa bảo đảm an sinh xã hội ở các địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.