Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhộn nhịp toàn cầu

Vân Khanh| 14/11/2010 06:11

(HNM) - Châu Á đang nổi lên như tâm điểm của thế giới với những sự kiện thời sự nóng bỏng nhằm giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu.

Ngoài chuyến công du dài ngày của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới châu lục này nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với các cường quốc mới nổi tại khu vực, chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Anh David Cameron tới Trung Quốc trong sứ mệnh thương mại trọng đại đã tăng thêm sức nóng cho nghị trường quốc tế.

Các đại biểu dự hội nghị G20.

Song trong bối cảnh chưa mấy khởi sắc của nền kinh tế thế giới, cuộc gặp của lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu hành tinh (G20) tại Seoul, Hàn Quốc và Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Yokohama, Nhật Bản mới thực sự được trông đợi sẽ mang đến hy vọng mới cho nền kinh tế toàn cầu.

Hai chuyến đi của hai nhà lãnh đạo Âu - Mỹ và hai cuộc hội nghị lớn với hàng loạt sự kiện dồn dập đều xoay quanh chủ đề thúc đẩy tăng trưởng. Rõ ràng, đối phó với những rối ren của nền kinh tế không chỉ là vấn đề ưu tiên mà đã trở thành mục tiêu cấp bách của toàn thế giới.

Trong đó, những nỗ lực vượt qua khủng hoảng của các quốc gia không chỉ thể hiện qua những cuộc tìm kiếm lợi ích đơn lẻ, mà còn bằng những thỏa hiệp cần thiết cho một sự hợp tác rộng lớn. Các chương trình nghị sự nóng bỏng và kịch tính không kém những biến động ngỡ ngàng của giá vàng, dầu thô và chứng khoán diễn ra bên ngoài Trung tâm Hội nghị Coex tại thủ đô Seoul đã đem đến một kết thúc "có hậu" với cả những thành viên khó tính nhất của G20. Gạt bỏ không ít bất đồng để cùng đối phó với những thách thức kinh tế mang tính toàn cầu, Hội nghị G20 lần đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia châu Á là một điển hình sinh động cho nhận thức về sự hợp lực nhằm giải quyết các vấn đề mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể làm được.

Không thể là ngẫu nhiên, hai hội nghị có tầm quan trọng nhất với tương lai nền kinh tế thế giới đã nối tiếp diễn ra ở hai quốc gia của châu lục là chỉ dấu từ hệ quả của xu hướng trọng tâm đang chuyển dịch về châu Á. Đó là G20 tại Hàn Quốc và APEC tại Nhật Bản. Không thể phủ nhận một thực tế, nhịp đập châu Á đang tiếp sức cho trái tim kinh tế thế giới. Một châu Á - Thái Bình Dương đang vươn dậy và phục hồi mạnh mẽ, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất sau những tác động kinh hoàng của vòng xoáy khủng hoảng tài chính; đồng thời trở thành động lực tăng trưởng của thế giới đã tạo cho châu lục một vị thế đặc biệt trên trường chính trị và thương mại toàn cầu.

Hòa mình vào dòng chảy đó, thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 vừa kết thúc tại Hà Nội cùng những sáng kiến mang tính xây dựng từ Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với mục tiêu phát triển tại G20 trên cương vị Chủ tịch ASEAN đã đưa hình ảnh về một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển năng động đến gần hơn nữa với bạn bè quốc tế.

Dấu ấn Việt Nam thật rõ nét trong vai trò kết nối chặt chẽ các quốc gia trong khu vực nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN, làm tổ chức này mạnh hơn và đoàn kết hơn. Vị thế của ASEAN và Việt Nam là một dấu ấn đáng nhớ tại G20 này khi đánh dấu sự tham gia tích cực trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu.

Cùng với đó, sự kiện Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - một trong năm diễn giả được mời phát biểu trước Hội nghị Cấp cao Doanh nghiệp APEC 2010 chiều 12-11 càng khẳng định uy tín của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế quan trọng. Với chủ đề "Vai trò của liên kết kinh tế ASEAN tại châu Á - Thái Bình Dương", bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh rằng ASEAN đã trở thành một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết, một tổ chức khu vực thành công và phát triển năng động và là đối tác không thể thiếu của các nước và các tổ chức quốc tế đã mang đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về ASEAN và Việt Nam. Điều này một lần nữa làm sâu sắc hơn vai trò chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong sự kết nối giữa ASEAN và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và trên trường quốc tế nói chung.

Trong những ngày đầy ắp sự kiện, các nước đang phát triển đã và đang có tiếng nói thuyết phục hơn trên bàn cờ quốc tế cả về địa - chính trị lẫn địa - kinh tế. Các cường quốc kinh tế truyền thống đang buộc phải nhìn nhận lại "vai trò áp đặt" vốn có. Cán cân quyền lực thế giới đang có sự dịch chuyển tất yếu khi các cường quốc mới nổi khẳng định vị thế tương xứng bằng những đóng góp đáng khích lệ vào sự hồi phục kinh tế thế giới trong chuỗi ngày nhộn nhịp toàn cầu chưa từng thấy với châu Á là điểm đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhộn nhịp toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.