Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhộn nhịp lao động thời vụ dịp Tết

Hà Hiền| 04/02/2018 07:02

(HNM) - Thời điểm từ sau rằm tháng Chạp đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường việc làm thời vụ diễn ra vô cùng sôi động. Những công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ, siêu thị, cửa hàng ăn uống, bán lẻ,... cần nhiều nhân lực để phục vụ khách hàng. Người lao động tranh thủ thời gian nhàn rỗi đi làm thêm, nhưng cần cẩn trọng, tránh mắc “bẫy” lừa đảo núp danh nghĩa “tuyển dụng lao động gấp”.

Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Trung tâm Giao dịch việc làm Hà Nội.


Cầu vượt xa cung

Những ngày này, thông tin người tìm việc, việc tìm người tràn ngập khắp nơi. Siêu thị Co.opmart đăng tuyển 50 nhân viên bán hàng, kho bãi làm việc tại cửa hàng Co.op Food quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm. Hệ thống cửa hàng Vinmart tuyển 1.000 nhân viên bán hàng tại thị trường Hà Nội. Chuỗi lẩu nấm Hoàng Gia, chuỗi nhà hàng Quán Ăn Ngon, cafe Hoa Mộc Quán,… cũng có nhu cầu tuyển dụng hàng chục lao động làm việc theo giờ trong dịp Tết.

Xung quanh các ga tàu, bến xe, chợ,… nhu cầu sử dụng lao động theo giờ tăng lên từng ngày. Chị Nguyễn Thị Hương, chủ một cửa hàng bán hoa quả tại chợ đêm Hà Đông cho biết, để có người bốc, xếp hàng vào ban đêm, chị và nhiều chủ hàng khác phải “đặt” người quen từ nhiều tháng trước và sẵn sàng trả công cao. Thường thì những người bốc, xếp, vận chuyển hàng hóa tại các khu chợ đầu mối vào thời điểm cận Tết nhận được tiền công gấp 1,5 lần ngày thường.

Tại các bệnh viện như Bạch Mai, Việt - Đức, Viện K,... gia đình nhiều bệnh nhân “khóc dở, mếu dở” vì không tìm được người giúp việc. Có người vì muốn về quê sớm sum họp với gia đình sau cả năm lao động vất vả, có người tìm đến gia đình trả công cao và bệnh nhân dễ chăm sóc để nhận việc. Tìm người có kinh nghiệm chăm sóc người bệnh đã khó, tìm người ở lại bệnh viện trong dịp Tết càng khó hơn. "Gia đình tôi đã lặn lội nhiều nơi, nhưng chưa tìm được người nào phù hợp”, chị Lê Thanh Thảo đang chăm sóc người thân tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Không chỉ thiếu người chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện, nhu cầu về lao động giúp việc gia đình theo giờ cũng đang tăng nhanh chóng. Theo phản ánh của nhiều trung tâm giới thiệu việc làm, số người đăng ký tìm người giúp việc gia đình theo giờ chiếm khoảng 40-50% tổng số nhu cầu tìm lao động làm việc bán thời gian trong dịp Tết. Tuy nhiên, số người đăng ký tìm việc lại giảm khoảng 30%, khiến nguồn lao động luôn trong tình trạng khan hiếm. Chính vì vậy, người lao động nếu tìm hiểu kỹ sẽ dễ dàng có được những công việc ưng ý, không đòi hỏi kinh nghiệm như: Đóng gói hàng Tết, bán hàng, thu ngân, chăm sóc khách hàng, dọn nhà theo giờ, vận chuyển hàng Tết…

Tránh “bẫy” lừa tuyển dụng

Dịp Tết, nhiều sinh viên có nhu cầu tìm việc làm thêm.


Lực lượng lao động cung ứng cho thị trường Hà Nội dịp Tết Nguyên đán chủ yếu là những người từ các tỉnh khác đến, là học sinh, sinh viên được nghỉ Tết sớm. Họ muốn tranh thủ kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống, nhưng ít có kinh nghiệm tìm việc. Lợi dụng việc này, không ít công ty “ma” núp dưới danh nghĩa môi giới, giới thiệu việc làm hoặc cần tuyển dụng lao động gấp với lời quảng cáo hấp dẫn “làm nhàn, lương cao” để lừa đảo.

Em Trần Thị Tươi, sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Thương mại phản ánh: “Muốn có việc làm thêm thật nhanh, em tìm kiếm qua mạng xã hội và thấy một trang đăng tin tuyển dụng giúp việc theo giờ với mức lương 200.000 đồng/giờ. Thấy hấp dẫn, em cùng nhóm bạn đến liên hệ xin việc thì bị công ty này yêu cầu mỗi người nộp 500.000 đồng tiền phí môi giới. Nộp tiền xong chờ mãi không thấy gọi đi làm, chúng em mới biết mình bị lừa”.

Từng bị một công ty đa cấp dụ dỗ vào làm trong quá trình tìm việc làm thêm dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, em Nguyễn Thu Thảo, sinh viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội khuyên sinh viên muốn tìm việc làm thêm nên đến các trung tâm việc làm có uy tín, được các cơ quan quản lý nhà nước bảo hộ. “Tham gia phiên giao dịch việc làm bán thời gian dành cho sinh viên diễn ra ngày 18-1-2018, do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức, em và nhiều bạn sinh viên tìm được việc làm thêm phù hợp mà không phải mất tiền môi giới...”, Nguyễn Thu Thảo cho biết.

Nhiều năm chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Việt - Đức, chị Phạm Thị Nụ, ở xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) cho biết, do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu nên những người chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện thường không tìm việc qua trung tâm môi giới. Muốn tìm người, các gia đình nên nhờ người thân hoặc những người đang chăm sóc bệnh nhân giới thiệu. Với lực lượng giúp việc gia đình theo giờ, các gia đình nên cẩn trọng, bởi không ít đối tượng trộm cắp vào vai người giúp việc để lấy cắp tài sản.
Để tránh mắc "bẫy" lừa tuyển dụng, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khuyến cáo: Người tìm việc làm không nên tin vào những công việc tuyển dụng quá dễ dàng, làm nhàn, thu nhập cao. Đặc biệt, cần cảnh giác trước những đơn vị môi giới yêu cầu trả trước phí giới thiệu việc làm với mức quá cao, bất hợp lý. Muốn tìm được những việc làm thời vụ phù hợp, người lao động cần theo dõi thông tin thị trường lao động, nhu cầu việc làm thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, quan tâm tới các nguyên tắc và tiêu chí tuyển dụng theo yêu cầu công việc.

Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc lừa đảo trong tuyển dụng lao động; đã thụ lý không ít vụ án người giúp việc trộm cắp tài sản,… Bởi vậy, dù nhu cầu việc làm tăng cao vào thời điểm cận Tết, người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải cẩn trọng.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ vào dịp Tết tăng gấp nhiều lần so với thời điểm khác trong năm. Qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các đơn vị cần tuyển 3.500 - 4.000 nhân viên kinh doanh, 3.000 - 4.000 nhân viên bán hàng,... Tính chung, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ lên đến hàng vạn người.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhộn nhịp lao động thời vụ dịp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.