Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhọc nhằn phận làm dâu xứ người

Đình Hiệp| 19/12/2015 08:19

(HNM) - Lấy chồng có khi gấp đôi tuổi mình, đến với nhau không qua tìm hiểu mà nhờ công ty môi giới hoặc người quen giới thiệu, không biết tiếng Hàn…, những cô dâu Việt gặp không ít khó khăn khi làm dâu xứ người.

Buổi tối sum vầy của gia đình Hồng Xương.


Để khẳng định mình và không bị mang tiếng "ăn bám" nhà chồng, các cô không còn cách nào khác phải lao đi làm kiếm tiền, rồi vừa tự học tiếng Hàn để hòa nhập cuộc sống. Đó là tâm sự của một số cô dâu Việt lấy chồng người Hàn Quốc tại khu vực Gwangju - Jeonam mà phóng viên Hànộimới ghi được trong chuyến công tác mới đây.

Những rào cản...

Gặp Nguyễn Thị Lệ Hoa (hiện là Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại khu vực Gwangju - Jeonam) buổi chiều thứ bảy khi đang cùng một người bạn vừa từ Việt Nam sang du học chuẩn bị gian hàng giới thiệu về văn hóa Việt Nam cho Lễ khai trương Trung tâm văn hóa Châu Á của thành phố Gwangju. Đây là một trong những hoạt động cuối tuần Lệ Hoa vẫn làm để quảng bá văn hóa Việt Nam với người bản xứ và khách nước ngoài. Vừa chuẩn bị những chiếc áo dài, cô gái đến từ Hải Phòng có dáng người nhỏ nhắn vừa chia sẻ với chúng tôi về mối tình cách đây chục năm với người chồng Hàn Quốc hiện nay.

Lệ Hoa kể: "Em sang Hàn Quốc cách đây 7 năm, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng hải. Em và anh ấy quen nhau cũng tình cờ khi là sinh viên năm thứ 2 đại học. Chồng em học Đại học Hàng hải ở thành phố Mokpo, Hàn Quốc. Trong chuyến giao lưu giữa sinh viên của hai trường, chúng em đã gặp và yêu nhau từ đó. Xác định tương lai lâu dài với nhau, trong quá trình học em có tìm hiểu về quê hương của anh ấy (thành phố Gwangju). Sau khi tốt nghiệp đại học, em nộp hồ sơ và nhận được học bổng thực tập 4 tháng tại Học viện Khoa học, công nghệ Gwangju GIST. Đây cũng chính là một trong những lý do mà chúng em cưới sớm hơn dự định để em có điều kiện tốt bên đó, vừa ở nhà chồng vừa học tập luôn".

Lệ Hoa tâm sự, lúc đầu không có ý định định cư tại Hàn Quốc vì không muốn rời xa gia đình, bè bạn và nghĩ năng lực của mình được phát triển ở Việt Nam sẽ tốt hơn. Mặt khác, vì chồng là kỹ sư máy tàu, luôn làm xa nhà nên ở một mình nơi đất khách sẽ rất buồn và bất tiện. Tuy nhiên, sau 4 tháng sống ở Hàn Quốc, Lệ Hoa cảm thấy gắn bó với cuộc sống nơi đây. "Lúc mới sang, em cảm thấy rất nhớ nhà và bỡ ngỡ, lạc lõng vô cùng vì chưa thông thạo tiếng Hàn. Mặc dù khi yêu anh ấy em cũng đã tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc, rồi tự học tiếng nhưng như một đứa trẻ đến một nơi ở mới, mọi thứ với em đều xa lạ.

Ở Việt Nam mình toàn đi xe máy, sang đây mọi người đi ô tô, tàu điện ngầm, mua hàng online, thanh toán tiền bằng thẻ, chuyển khoản. Ban đầu, em cũng gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp với nhà chồng cũng như ngoài xã hội, lại không có bạn bè người thân nên em cảm thấy nản lắm. Cũng may bố mẹ chồng là người có học thức, rất tốt và biết thông cảm nên sau một thời gian ngắn em đã hòa nhập với cuộc sống ở đây" - Hoa kể.

Thế nhưng, không phải ai cũng có điều kiện như Lệ Hoa. Thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 10 nghìn người Việt Nam đang sống tại khu vực Gwangju - Jeonnam, trong đó có gần 4.000 cô dâu. Theo thông tin mà Lệ Hoa có được thì phần lớn cô dâu Việt lấy chồng ở khu vực này đều qua môi giới. Trong số đó có Huỳnh Thị Hồng Xương, một cô gái đến từ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Gặp Hồng Xương vào buổi chiều cuối tuần khi chị vừa kết thúc lớp học ở Trường Đại học Gwangshin.

Trên đường dẫn chúng tôi về nhà, Hồng Xương cho biết chị đã lấy chồng Hàn Quốc từ năm 2006 khi vừa bước sang tuổi 20. Nghẹn ngào khi nhớ lại ngày "định mệnh" đó, Hồng Xương kể: "Hôm đó là một ngày gần Tết. Em đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh thì có một chị bạn hỏi có thích lấy chồng Hàn Quốc không? Vừa chia tay người yêu cảm thấy chán, em đồng ý đi luôn. Khi đến khách sạn, em thấy có khoảng 120 cô gái đang chờ ở đó để cho họ xem mặt.

Lúc đó em cảm thấy ngượng ngùng vì họ coi mình như một món hàng để trả giá. Cuối cùng chỉ 10 cô gái trong số đó được chọn và có em. Thông thường mọi người trước khi có ý định lấy chồng Hàn Quốc phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ như chứng minh là người độc thân, tình trạng sức khỏe… Tuy nhiên vì đi theo chị bạn nên em không chuẩn bị giấy tờ gì cả. Lúc đầu mấy người môi giới không đồng ý, nhưng chồng em nhất quyết chọn em nên họ phải đồng ý".

Sau khi tổ chức đám cưới và hoàn tất thủ tục hơn một tháng, Hồng Xương theo chồng sang Hàn Quốc sinh sống. Nhớ lại những ngày đầu gian khổ nơi đất khách trong khi một chữ tiếng Hàn bẻ đôi không biết: "Năm đầu tiên em chưa gặp khó khăn mấy vì em chả hiểu chồng và ba mẹ chồng nói gì cả. Họ nói gì em cũng chỉ cười thôi. Mặc kệ, coi như không biết, dù họ chửi mình. Tuy nhiên đến năm thứ hai sinh cháu gái đầu lòng, khó khăn bắt đầu tăng lên. Em cũng bắt đầu nghe câu được câu chăng và cảm thấy bị xúc phạm vô cùng khi má chồng chửi bới em với những lời lẽ thô tục. Thậm chí, nhiều lúc má chồng còn đánh, giật tóc… nhưng em vẫn chịu đựng vì nghĩ rằng mình đã không còn sự lựa chọn nào khác" - Hồng Xương kể.

Tự khẳng định mình

Là người hiểu rõ những khó khăn nơi đất khách khi bất đồng ngôn ngữ, Lệ Hoa không ngừng tự học tiếng Hàn. Lúc mới sang, chị tham gia lớp học tại trường cũng như các lớp học dành cho gia đình đa văn hóa của các quận, rồi về nhà tự học. Từ những kinh nghiệm tiếp xúc thực tế Lệ Hoa nhận thấy: "Khó khăn nhất với các cô dâu Việt khi hòa nhập cuộc sống nhà chồng là ngôn ngữ. Nếu ngôn ngữ không thạo thì chả làm được việc gì cả. Bên cạnh đó, các cô dâu cũng phải hiểu về văn hóa, các thông tin cơ bản về cuộc sống, sinh hoạt ở đây. Mặc dù Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt. Hàn Quốc tuy là một nước phát triển về kinh tế, nhưng vẫn còn trọng nam khinh nữ.

Vì lấy nhau qua môi giới, các cô dâu Việt thường bị nhà chồng coi khinh, vì họ nghĩ bỏ tiền ra để mua mình về. Ngược lại, nhiều cô dâu Việt cứ nghĩ đi lấy chồng Hàn Quốc sẽ kiếm được một món tiền để hằng năm gửi về cho bố mẹ ở quê. Tuy nhiên, khi sang đây không biết tiếng, không công ăn việc làm, lại phụ thuộc kinh tế vào nhà chồng khiến nhiều cô dâu bức xúc rồi nảy sinh mâu thuẫn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các cô bị chồng, nhà chồng bạo hành và thậm chí có cả những cô dâu bị sát hại". Để nhà chồng tôn trọng và khẳng định được vị trí của mình trong xã hội thì không còn cách nào khác các cô dâu Việt cần phải đi học và phải đi làm.

Hiện Lệ Hoa đang làm giáo viên dạy tiếng Việt và tiếng Anh cho nhiều nơi khác nhau ở TP Gwangju. Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại khu vực Gwangju - Jeonnam, Lệ Hoa còn có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ cho cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, đặc biệt là các chị em mới lấy chồng sang đây gặp khó khăn về ngôn ngữ, luật pháp…

Không có được nền tảng kiến thức như Lệ Hoa, Hồng Xương đã phải cố gắng nhiều hơn để có thể tự bươn trải. Có lẽ Hồng Xương cũng không nghĩ mình lấy chồng Hàn Quốc lại vất vả như vậy. Thế nhưng, khi nhìn vào bảng thành tích học tập, với hàng chục văn bằng, chứng chỉ các loại của Hồng Xương thì chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước nghị lực của cô. Hồng Xương chia sẻ: "Khi mới sang đây em phải đi trồng ớt ở một nông trại để kiếm sống. Giai đoạn khó khăn nhất với em là khi chồng lâm bệnh nặng.

Chồng em vừa huyết áp cao lại ung thư phổi giai đoạn đầu nên phải điều trị một thời gian dài. Tuy nhiên, không vì những khó khăn đó mà em bỏ cuộc. Nhờ sự động viên của chồng, em đã học tiếng Hàn ở trung tâm, rồi tự học. Vừa đi làm, vừa đi học đã giúp em vừa có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống và có thêm kiến thức". Hiện Hồng Xương là nhân viên văn phòng hỗ trợ gia đình đa văn hóa của huyện Hwoasun. Hồng Xương còn là thành viên nhiệt tình trong Ban Chấp hành Hội người Việt Nam tại khu vực Gwangju - Jeonnam, với việc mở các lớp tiếng Hàn, Việt cho các con em gia đình đa văn hóa, kết hợp đào tạo tiếng cho anh chị em lao động trên địa bàn huyện Hwoasun. Là một người rất năng động, ngoài công việc chuyên môn, Hồng Xương còn đi làm phiên dịch, kết nối thông tin với các công ty của Hàn Quốc muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Cùng với người chồng luôn hết mực yêu thương vợ con, Hồng Xương giờ cảm nhận được niềm hạnh phúc với hai đứa con, trong đó con gái đầu đang học tiểu học năm thứ ba và cậu con trai đang học tiểu học năm thứ hai. Sau nhiều năm vất vả, vợ chồng Hồng Xương đã mua được một căn chung cư để ở riêng. Tự hào về những thành quả đã đạt được sau nhiều năm cố gắng, Hồng Xương chia sẻ: "Khi mới sang đây, mỗi người có một mục đích khác nhau. Em thấy phần lớn người chồng Hàn Quốc có suy nghĩ khi bỏ tiền ra lấy vợ Việt Nam để mình phải làm mọi việc phục vụ họ.

Nếu cô dâu nào đòi ly hôn, họ dọa phải trả số tiền cưới. Nhiều chị em phải chấp nhận cuộc sống khó khăn, thậm chí bị bạo hành mà không dám lên tiếng vì họ không còn lựa chọn nào khác". Không muốn nhắc lại nỗi buồn đó, Hồng Xương nói: "Nếu thời gian quay trở lại thì chắc em không lấy chồng sớm, mà ở Việt Nam đi học. Nhiều lúc em cũng tự hỏi không hiểu sao mình lại có thể vượt qua được những khó khăn đó. Có lẽ là hai đứa con của em. Nhiều lúc thấy nản, nhưng em không muốn con em không có cha hoặc mẹ; hôn nhân đâu phải trò chơi".

Anh Nguyễn Viết Phong, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại khu vực Gwangju - Jeonam cho biết, Hội được thành lập từ tháng 6-2012. Là một trong những khu vực có nhiều người Việt sinh sống, trong đó có các cô dâu, vì thế Hội thường xuyên tổ chức lớp học cho những gia đình đa văn hóa để họ hiểu hơn về văn hóa, ngôn ngữ cũng như các sinh hoạt trong gia đình nhà chồng ở Hàn Quốc. Cùng với tổ chức những hoạt động văn hóa gắn kết cộng đồng, Hội còn tư vấn về luật pháp hôn nhân cho các cô dâu và người lao động; hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn… nhằm giúp các cô dâu Việt có thêm kiến thức, hiểu biết để hòa nhập với cuộc sống mới ở Hàn Quốc. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhọc nhằn phận làm dâu xứ người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.