Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhọc nhằn giao thông nông thôn miền núi

Diệu Hương| 08/05/2010 08:13

(HNM) - Ngồi trên chiếc Nissan trồi lên sụt xuống trên con đường đầy ổ trâu, ổ gà thuộc xã Vân Hòa (Ba Vì), tôi càu nhàu:

- Đường sá thế này thì du lịch làm sao mà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu của Đảng bộ huyện được. Huyện ông xây dựng chương trình phát triển du lịch như thế có khả thi không?

Như chạm đúng mạch, anh bạn than thở:

- Đó đúng là điều nan giải của huyện nhiều năm qua. Ba Vì có tới gần 70% là đường đất thì làm sao nói mạnh đến việc phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch.

- Xây dựng giao thông nông thôn là trách nhiệm của toàn xã hội, trước đây tỉnh Hà Tây đã có cơ chế hỗ trợ 29% kinh phí "làm mồi" để khuyến khích các địa phương xây dựng đường giao thông, sao huyện nhà không đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động nhân dân đóng góp, huy động ngân sách huyện, đẩy mạnh đấu giá đất... để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng - Một đồng nghiệp đi cùng thắc mắc.

Thấy khách chưa hiểu, anh bạn phân trần:

- Không phải là huyện không tính đến điều ấy. Nhiều năm qua, Ba Vì đã tổ chức nhiều hội nghị bàn cách huy động các nguồn vốn để "kéo" nhiều kinh phí "làm mồi" của tỉnh Hà Tây cũ về địa phương nhưng rất khó. Hiện nay, thành phố Hà Nội cũng đang xây dựng phương án hỗ trợ 40% kinh phí "làm mồi" nhưng Ba Vì vẫn chưa giải quyết được khó khăn. Đặc thù của huyện là địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt (có nơi nhà nọ cách nhà kia tới 1km) trong khi đời sống của người dân còn thấp nên việc huy động kinh phí trong dân là rất khó khăn. Ngân sách huyện thì thu không đủ chi. Nguồn thu từ đất cũng rất ít bởi huyện ở xa trung tâm, giá đất rẻ, không mấy người hứng thú bỏ tiền bỏ của đầu tư ở đây. Vì vậy, nhiều năm qua, trong khi các địa phương "nóng" lên vì đất thì ở Ba Vì chỉ có một vài xã, thị trấn tổ chức được việc đấu giá đất với số diện tích và nguồn tiền ít ỏi. Vì vậy, cả năm 2009, huyện Ba Vì chỉ làm được 3km đường giao thông nông thôn. Tôi nghĩ, muốn bộ mặt nông thôn miền núi thay đổi, thành phố cũng cần có cơ chế hỗ trợ riêng đối với khu vực này mới giúp các địa phương phát triển giao thông nông thôn làm đòn bẩy phát triển kinh tế để người dân miền núi sớm tiến kịp miền xuôi.

Xem ra, những điều người cán bộ này trăn trở cũng đáng được lưu tâm, xem xét.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhọc nhằn giao thông nông thôn miền núi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.