Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ những người bạn Mỹ trong “Nhóm Con Nai"

Hồ Quang Lợi| 02/09/2016 07:33

(HNM) - Nói đến những người bạn Mỹ trong đơn vị tình báo chiến lược (OSS) và “Nhóm Con Nai”, không thể không nhắc đến Thiếu tá Archimede L.A Patti mà tôi may mắn có dịp gặp lần đầu tiên tại Hà Nội tháng 5-1990, vào dịp nước ta tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Lúc được phái đến Côn Minh (Trung Quốc) với chức trách Đội trưởng OSS để thu thập thông tin tình báo, Archimede L.A Patti là Đại úy. Ngày 27-4-1945, Patti đã được gặp và trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ngôi làng nhỏ Chin Chou Chieh thuộc tỉnh Quảng Tây để bàn về việc Việt Minh và OSS phối hợp hoạt động chống Nhật.

“Nhóm Con Nai” chuẩn bị nhảy dù. Ảnh tư liệu



Cuộc gặp đã để lại những cảm xúc đặc biệt trong lòng viên Thiếu tá Mỹ. Trong cuốn sách nổi tiếng Vì sao Việt Nam? (Why Vietnam?), Patti viết: “Mặc dù tôi đã tỏ ra khách quan và vô cùng thận trọng để bản thân không dính vào những khía cạnh chính trị liên quan đến vấn đề Đông Dương, nhưng sự chân thành và tài hùng biện đầy sức thuyết phục của ông Hồ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi… Đó là một nhà lãnh đạo vô cùng thông minh, thấu hiểu những vấn đề của đất nước mình, người thấu tình đạt lý và vô cùng tinh tế. Tôi cũng cảm thấy có thể tin tưởng ông như người bạn đồng minh đứng cùng chiến tuyến chống lại phát xít Nhật…”.

Chính Patti là người đã nhận lời chuyển giúp một số thư, điện tín của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Mỹ, là người đứng ra làm trung gian cho các cuộc tiếp xúc Việt - Pháp vào tháng 9-1945. Chỉ ba ngày sau khi Hà Nội tổng khởi nghĩa giành được chính quyền thì ngày 22-8-1945, phái bộ Mỹ đã tới Hà Nội. Ngày 25-8, vừa về tới Hà Nội, được tin có phái đoàn Mỹ, trong đó có Patti, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc mọi người: “Đây là khách quý đặc biệt” và chỉ thị tổ chức một lễ đón trọng thị ở vườn hoa trước khách sạn Metropol. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho tôi biết, bài Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam - đã được cử hành trong nghi lễ ngoại giao đầu tiên đó. Sau buổi lễ, Patti đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tới dự bữa cơm thân mật tại ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang - nơi Bác Hồ đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập. Trên gác hai của ngôi nhà đó, chính Bác Hồ đã đọc cho Patti nghe dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Patti đã không khỏi sửng sốt, tưởng mình nghe nhầm khi nghe câu mở đầu Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam lại giống Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Khi Patti hỏi lại thì Bác Hồ khẳng định: “Đúng thế!” và Người giải thích: “Chúng ta chiến đấu vì hạnh phúc của con người”. Mặc dù được mời ngồi ở khu vực dành cho quan khách trong lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9, nhưng Patti đã hòa vào quần chúng để “ghi lại những cảm nhận chân thực và sống động nhất...” như ông viết trong cuốn sách Vì sao Việt Nam?

21 năm đã trôi qua, trong tôi vẫn còn in đậm hình ảnh Thiếu tá Allison Thomas, Chỉ huy đơn vị “Con Nai”, đứng trên bậc thềm của ngôi nhà 105A Quán Thánh sáng mùa thu năm 1995. Chỉ chiếc áo vét tông màu trắng bằng vải đũi đang mặc, Allison Thomas nắm chặt tay tôi, giọng đầy cảm xúc: “Đây chính là chiếc áo mà Bác Hồ đã tặng tôi 50 năm trước khi chia tay. Tôi giữ nó bên mình như một báu vật. “Hôm đó, tất cả những người bạn Mỹ đã không giấu nổi niềm xúc động khi được gặp và trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một bầu không khí đặc biệt cởi mở và thân tình. Họ coi đó là một đặc ân mà vị tướng lỗi lạc của đất nước Việt Nam đã dành cho mình. Đại tướng nói với những người bạn Mỹ: “Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình. Việt Nam chiến đấu là vì hòa bình”.

Sự mở đầu tốt đẹp như vậy, nhưng quan hệ Việt - Mỹ đã rẽ theo một hướng khác vô cùng thảm khốc. Và, lịch sử đã phải ghi những trang đau buồn nhất: Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Mỹ đã quay lưng lại với những người đồng minh chống phát xít năm xưa. Nhiều cơ hội lớn trong quan hệ hai nước đã từng bị các nhà lãnh đạo Mỹ bỏ lỡ. Một cuộc chiến tranh lớn đã diễn ra… Nhìn những người Mỹ hồn hậu, đã đến giúp đỡ chúng ta từ rất sớm, bỗng dưng tôi cảm thấy một sự phi lý cùng cực khi chợt nghĩ rằng nước Mỹ của những người tốt và hào hiệp như Mac Shin, Frank Tan, Charles Fenn, Henri Prunier, Allison Thomas, Archimede L.A Patti… lại đã gây ra cho nhân dân Việt Nam một trong những cuộc chiến tranh thảm khốc nhất trong lịch sử.

Mặc dù vậy, cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn không thể nào xóa nhòa khỏi ký ức những người Mỹ chân chính ấy ấn tượng tốt đẹp và niềm tin về đất nước và con người Việt Nam. Số đông những cựu binh OSS từng có mặt tại căn cứ Việt Bắc năm ấy vẫn tin vào chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Thiếu tá Allison Thomas, từng ra điều trần trước Quốc hội Mỹ để bảo vệ sự trong sáng và đúng đắn của mối hợp tác với Việt Minh. Trung úy Charles Fenn đã kể lại những kỷ niệm đẹp bên cạnh Bác Hồ trong cuốn Tiểu sử chính trị về Hồ Chí Minh, rồi ông chấp nhận rời nước Mỹ sống lưu vong viết kịch và sách báo với những tình cảm chân thành trước sau như một về vị lãnh tụ tuyệt vời của nhân dân Việt Nam. Riêng với Mac Shin, khi trở lại Hà Nội, đã tìm đường về Tân Trào (Tuyên Quang) làm lễ với Bác Hồ như đối với người cha đẻ của mình theo đúng các nghi thức cổ điển của người phương Đông. Thật cảm kích khi biết rằng cụ còn nuôi mơ ước được đầu tư để giảm bớt nghèo khó ở vùng đất chiến khu xưa. Những năm sau đó, năm nào cụ Mac Shin cũng gửi tiền về Việt Nam nhờ mua cho mỗi cụ đồng minh trong đại đội Việt - Mỹ ngày ấy một cành đào hay gốc quất để đón Tết.

Đêm 19-6-2005 đó, đến lúc chia tay tại Phòng khánh tiết của khách sạn Fairmont Olympic, cụ Mac Shin đứng giữa, cứ nắm chặt tay Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và những người bạn Việt Nam, không muốn rời xa. Năm đó cụ đã ngoài 80 tuổi… Con người nơi chân trời góc bể, xa cách nghìn trùng, liệu rằng chúng tôi còn có dịp may gặp lại nhau một lần nữa…

Và, sự khắc nghiệt của thời gian đã không cho những người bạn trong đại đội Việt - Mỹ có thêm một lần tái ngộ. Đến mùa thu năm 2016 này, không chỉ các cựu binh Mỹ trong đơn vị OSS mà - như anh Dương Trung Quốc cho tôi biết - hầu hết cựu chiến binh Việt Nam trong đại đội đặc biệt đó cũng đã qua đời.

Lịch sử quan hệ Việt - Mỹ sẽ không bao giờ quên họ. Chính Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bài phát biểu đầy ấn tượng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia vào trưa 24-5-2016 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam đã nhắc tới câu chuyện đẹp của buổi đầu quan hệ Việt - Mỹ: “Trong Thế chiến thứ hai, người Mỹ đã đến giúp Việt Nam đấu tranh chống ngoại xâm. Khi máy bay của phi công Mỹ bị bắn rơi, người dân Việt Nam đã cứu giúp họ”.

Quan hệ Mỹ - Việt thực sự đã sang trang mới nhiều hứa hẹn. Cơ hội lớn đang đến. Lần này, nước Mỹ đã tỏ rõ ý muốn không bỏ lỡ. Đó là một quyết định chính trị rất quan trọng cho cả hiện tại và tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhớ những người bạn Mỹ trong “Nhóm Con Nai"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.