Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ lời kêu gọi "chống nạn thất học" của Bác

ANHTHU| 10/09/2005 09:06

Ngày 8-9-1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ (BDHV) để thực hiện đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết định của Chính phủ lâm thời trong phiên họp đầu tiên.

Ngày 8-9-1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ (BDHV) để thực hiện đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết định của Chính phủ lâm thời trong phiên họp đầu tiên. Đất nước vừa giành độc lập đứng trước nhiều nhiệm vụ cấp bách, việc chống nạn mù chữ là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách thứ hai sau nhiệm vụ chống giặc đói. Ngày 3-10-1945, theo đề nghị của Nha BDHV, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân “chống nạn thất học”.

Trong thư, Bác kêu gọi “Mọi người Việt Nam phải biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết”.

60 năm đã qua, đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ sangthế kỷ công nghiệp hóa, hiện đại hóa,điều kiện đầu tiên là mọi người dân phải có kiến thức mới có khả năng hoàn thành nhiệm vụ, lại càng phải cấp thiết “bằng nhiều hình thức đa dạng, bảo đảm cho mọi người được học…” mà trước hết phải biết đọc, biết viết, tức là phải xóa nạn mù chữ và phổ cập tiểu học cho những ai còn đói chữ. Có như vậy mới có thể áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, phục vụ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, cho các chương trình về dân số, kế hoạch hóa gia đình, bài trừ tệ nạn xã hội, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi gia đình…

Bác lại nói “chống nạn thất học như chống ngoại xâm” và nhấn mạnh “hãy gắng sức mà học cho biết” để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà. 60 năm về trước, Bác đã chỉ rõ nguồn giáo viên vô tận, chính là “vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết chữ thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết chữ thì chủ bảo…” Phải chăng đây cũng là gợi ý của Bác về một phong trào “cả gia đình biết chữ”.

Đến ngày 1-5-1946, Bác lại gửi bức thư đầy ân tình cho cán bộ, giáo viên BDHV.Chủ tịch nước,vị cha già dân tộc đã dành hết tình cảm, xưng hôbằng những từ mộc mạc, chân tình, giản dị như gọi những người thân trong gia đình: “Anh chị em yêu quý”. Trong thư, Bác đánh giá rất cao vai trò và công lao của anh chị em giáo viên. Người thông cảm với sự khó nhọc, hy sinh phấn đấu “làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm”. Bác đã gọi họ là “đội tiên phong trong sự nghiệp tiễu trừ giặc dốt”, là “vô danh anh hùng”, “tuy vô danh nhưng rất hữu ích” và đánh giá kết quả của những công việc đó là “tượng đồng bia đá nào cũng không bằng”.

Trong thư, Người đã vạch rõ tác dụng to lớn và lâu dài của việc xóa mù chữ, diệt dốt. Bác nói đó chính là việc “mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào”, “xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho dân tộc” và “một phần tương lai của nước nhà”.

Tuy Bác đã đi xa, nhưng thư Bác để lại vẫn rất sống động, vẫn vang vọng mãi đối với mỗi người dân, với trách nhiệm “xóa mù - diệt dốt” của dân tộc. Bài học kinh nghiệm và cách làm đều đã được Bác chỉ rõ trong thư “chống nạn thất học”. Kế thừa mong muốn của Báclà “Làm thế nào cho toàn quốc, đồng bào ta ai cũng có ăn, có mặc, có học”, Đảng ta đã chỉ rõ “… Bằng nhiều hình thức đa dạng, bảo đảm cho mọi người được học”.

Ôn lại bức thư về “chống nạn thất học” của Bác cách đây 60 năm chính là để ghi nhớ, nhắc nhở mỗi người dân chúng ta luôn phải có trách nhiệm, nỗ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của GD-ĐT, cũng là nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ và xây dựng đất nước sao cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

HNM

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhớ lời kêu gọi "chống nạn thất học" của Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.