Sách

Nhịp cầu cảm xúc trong “Giấc phai”

Kiều Xuân Quỳnh 26/08/2024 - 06:14

Đọc 12 truyện ngắn trong "Giấc phai" (NXB Quân đội nhân dân, năm 2024) của tác giả Nguyễn Phú, độc giả được đến với thế giới nội tâm đa dạng của nhiều nhân vật, khiến ai nấy như được chạm vào mảng ký ức đã chôn sâu trong trái tim mình.

sach-1.jpg

Rất nhiều nhân vật trong tập truyện “Giấc phai” là người lính ngày đêm tập luyện nơi nắng gió thao trường, nơi dãy núi, trảng rừng biên cương. Không được làm nổi bật lên qua tiếng súng đạn, bom mìn, sự tàn khốc của chiến tranh..., nhưng những trang viết về người lính ấy của Nguyễn Phú đủ khiến độc giả trầm lặng suy tư bởi vết thương trong tâm hồn với câu hỏi: Thời gian có thể hàn gắn vết thương chiến tranh nhưng cần bao lâu để lấp đầy khoảng trống yêu thương trong tâm hồn?

Nguyên nhân của những khoảng trống ấy được khắc họa bằng khoảng cách địa lý trong mối tình của Duân và Nhã trong “Đi qua mùa thu”; tình yêu chân thành của người lính biên phòng với mối tình đầu trong “Tình khúc cuối mùa thu”; hay sự sẻ chia, đồng cảm từ những lá thư giấu tên của người cựu chiến binh gửi đến người yêu của đồng đội đã hy sinh, để người phụ nữ ấy nguôi ngoai nỗi đau từ cuộc chiến tranh đã trôi qua từ lâu trong “Thư hồng”. Kết thúc một truyện ngắn, tác giả khiến nội tâm người đọc bao phủ khoảng trống mênh mang, để rồi độc giả sẽ suy ngẫm, liên tưởng đến sự hàn gắn của hai mảnh đời trong quãng thời gian tiếp theo.

Không chỉ thành công với những nhân vật là người lính, truyện ngắn của Nguyễn Phú cũng rất sâu sắc khi khắc họa những nhân vật trong cuộc sống đời thường. Bằng lối dẫn truyện đa dạng, ngôn từ cô đọng, có những câu chuyện khiến độc giả như rơi xuống vực sâu hun hút khi “chứng kiến” sự bất hạnh của nhân vật.

Khó mà không rơi nước mắt khi chứng kiến cuộc đời của Di trong “Dưới thảm hoa vàng”, của Đào trong “Đào phai”, của Liễu, Nương trong “Bến hồng nhan” hay của bà Thoa trong “Không còn hoa cúc dại”... Những người phụ nữ ấy đã hứng chịu bao nỗi bất hạnh bởi bệnh tật, bão gió, phong ba cuộc đời. Nhưng giữa những không may mắn ấy, vẫn vang lên những nhịp đập trái tim tha thiết yêu thương trong “Giấc phai”. Đó là tình yêu son sắc, thủy chung trong “Búp chè xưa trở về” của cha ruột Thiện, dù người vợ qua đời đã lâu nhưng ông vẫn không tục huyền, suốt hơn hai mươi năm ông vẫn luôn nhớ về vợ. Đó là tình yêu của người chồng họa sĩ dành cho Thoa - người vợ mắc bạo bệnh, thời gian sống chỉ còn tính bằng ngày trong “Không còn hoa cúc dại”.

Đọc xong “Giấc phai”, có cảm giác như đang bước lên những nhịp cầu bắc qua bến sông tình yêu với nhiều cung bậc cảm xúc. Một bến bờ của sự hàn gắn hạnh phúc. Một bến bờ của những tan vỡ, chia ly. Dưới dòng sông là những con sóng lúc ồn ào, khi dịu êm như lan tỏa từng nốt dư âm đến cõi lòng độc giả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhịp cầu cảm xúc trong “Giấc phai”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.