(HNMCT) - Dịch thuật là cầu nối giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hướng tới mục tiêu cùng xây dựng thế giới hòa bình, hữu nghị. Sự ra đời của các công ty, hiệp hội dịch thuật phản ánh xu thế tất yếu của thế giới trong hội nhập và giao lưu văn hóa. Trong hoạt động, các dịch giả chuyên nghiệp đã cam kết thực hiện các quy ước đạo đức, thể hiện rõ nét văn hóa dịch thuật.
Định hình cuộc sống hằng ngày
Cách đây không lâu, một diễn đàn lớn về dịch thuật có tên Multilizer Translation Blog có đăng một bài viết nói về vai trò không thể thiếu của dịch thuật. Theo tác giả của bài viết này, phần lớn các thông tin tổng thể mà chúng ta có ngày hôm nay được thu thập và tích lũy thông qua các bản dịch. Từ chính trị, văn hóa, tài chính kinh tế, y học, công nghệ,… Không có lĩnh vực nào mà không có sự tham gia của dịch thuật. Nhờ những tài liệu, văn bản đa lĩnh vực được chuyển ngữ, các quốc gia có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và đưa nhau cùng phát triển, đời sống của con người mới trở nên phong phú hơn. Đặc biệt, trong xu hướng hội nhập kinh tế như hiện nay, sự giao lưu giữa các quốc gia càng được đẩy mạnh. Số tài liệu liên quan cũng tăng nhiều nên vai trò của các dịch giả luôn được đề cao. Vì mỗi tác phẩm, mỗi tài liệu đều mang trong mình những ngữ cảnh và văn hóa khác nhau, đòi hỏi phải có những dịch giả có trình độ chuyên môn và am hiểu một cách tường tận ngôn ngữ, văn hóa mới có thể chuyển tải chính xác được nội dung gốc.
Chính vì xác định được tầm quan trọng của dịch thuật, đã từng có rất nhiều dịch giả trên thế giới được lịch sử ghi nhận. Ví dụ như nhà văn, dịch giả nổi tiếng người Argentina Jorge Luis Borges (1899 - 1986) có tác phẩm dịch sang tiếng Tây Ban Nha từ khi chỉ mới 9 tuổi và tổng cộng có hàng chục cuốn sách dịch. Theo ông, dịch thuật là một cuộc “ngoại tình hạnh phúc và sáng tạo”. Nói về Jorge Luis Borges, nhà văn đoạt giải Nobel J.M. Coetzee khẳng định: “Hơn ai hết, ông đã cải tổ ngôn ngữ văn chương hư cấu và do đó, mở đường cho một thế hệ đáng chú ý gồm các tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Tây Ban Nha”. Dịch giả Gregory Rabassa (1922 - 2016) chuyên dịch văn học từ tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh cũng là một nhân vật thường xuyên được nhắc tới trong danh sách những người có tiếng tăm về lĩnh vực này.
Theo tạp chí chuyên ngành dịch thuật Telelanguage, năm 2019, phiên dịch, biên dịch tiếp tục là ngành nghề dễ kiếm việc nhất nước Mỹ. Từ năm 2017 tới nay, quy mô thị trường ngành dịch vụ ngôn ngữ toàn cầu đạt mức hơn 43 tỷ USD/năm và được dự báo sẽ tăng lên gần 47,5 tỷ USD vào năm 2021. Theo các nhà kinh tế, xu hướng hội nhập văn hóa và kinh doanh toàn cầu có nghĩa là cần tiếp tục xóa bỏ các rào cản giao tiếp. Phiên dịch viên và biên dịch viên là một phần không thể thiếu trong việc cung cấp thông tin và hiểu biết cho các doanh nghiệp và tổ chức. Với nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ ngôn ngữ chất lượng, phiên dịch viên và biên dịch viên tiếp tục đứng đầu danh sách các công việc tốt nhất. Đây là lý do tại diễn đàn dịch thuật TranslationDirectory.com thường xuyên có hơn 46 nghìn biên, phiên dịch viên tự do và hơn 7.000 công ty phiên dịch tham gia làm thành viên. Tại diễn đàn, nhiều thông tin đa dạng liên quan tới công việc này được đăng tải, trao đổi. Rất nhiều hợp đồng cũng đã được thiết lập tại đây.
Không chỉ tại Mỹ, ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nhất là ở những quốc gia phát triển, các dịch giả luôn được tạo điều kiện thỏa sức đam mê với việc dịch thuật mình yêu thích, mà còn yên tâm vì có thể sống được, sống tốt với nghề.
Tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng dịch thuật
Đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực dịch thuật nhiều năm qua, không thể không kể đến vai trò của các tổ chức dịch thuật, nơi vốn được ví như “ngôi nhà chung” của các dịch giả, là tiếng nói mạnh mẽ giúp bảo vệ quyền lợi hội viên, đem lại giá trị lợi ích cho cộng đồng dịch thuật và đóng góp xây dựng xã hội.
Năm 1991, Hiệp hội Dịch thuật quốc tế (FIT, thành lập năm 1953) đã chọn ngày 30-9 hằng năm là Ngày Dịch thuật quốc tế. Mốc thời gian này được lấy theo ngày mất của Jerónimo de Estridón, cha đẻ của ngành Dịch thuật. Việc đưa ra khái niệm quốc tế hóa ngày dịch thuật nhằm xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng dịch thuật toàn cầu và quảng bá phát triển hoạt động biên dịch, phiên dịch trên toàn thế giới. Từ đó, nhiều hiệp hội đã tiếp nối ra đời.
Hiện tại, Hiệp hội Dịch thuật Mỹ (ATA - American Translators Association) được cho là tổ chức quy mô nhất dành cho các dịch giả. Thành lập năm 2010, đến nay, ATA đã có trên 11.000 thành viên ở hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ, bao gồm biên dịch, phiên dịch, giáo viên, quản lý dự án, lập trình viên, chủ doanh nghiệp dịch thuật, trường học, bệnh viện và các cơ quan chính phủ. Ở mức độ thấp hơn ATA về quy mô là Liên hiệp Dịch thuật châu Âu (ELIA, thành lập năm 2012) và Hiệp hội Dịch thuật châu Á (AATI, thành lập tháng 10-2012).
Dù không bằng ATA, song ELIA và AATI đều đã chứng tỏ giá trị xã hội to lớn của mình. Còn ở Nga, có rất nhiều công ty, tổ chức dịch thuật uy tín, được tiếp sức bởi chính quyền và các tổ chức xã hội. Riêng về văn học, các tác phẩm xuất sắc về dịch văn học Nga và nước ngoài được Hội Nhà văn Nga và Quỹ Văn học “Con đường cuộc sống” trao thưởng hằng năm vào ngày 16-2, tại Mátxcơva. Đó là cách thức tôn vinh lĩnh vực dịch thuật, thúc đẩy việc phát hiện những tài năng dịch thuật mới, đồng thời góp phần củng cố mối liên hệ giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ.
Nhìn chung, các tổ chức dịch thuật luôn coi trọng hiệu quả và chất lượng công việc. Trong hoạt động kinh doanh, các nhà quản lý đã thể hiện rõ tư duy quản trị chiến lược doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động mang tính chuyên nghiệp theo những chuẩn mực quốc tế. Còn đối với các dịch giả, họ thể hiện tính chuyên nghiệp khi cam kết và nỗ lực thực hiện quy ước đạo đức mà các tổ chức dịch thuật đã đề ra. Đây vốn được xem là nét văn hóa được các dịch giả gạo cội duy trì và những người mới bước vào hoặc sắp bước vào nghề học hỏi và vận dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.