(HNM) - Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đi qua một chặng đường dài. 5 năm qua, cùng với nền kinh tế, hệ thống ngân hàng đã phải
Việc tái cơ cấu đã giúp hoạt động của hệ thống ngân hàng trở nên hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nền kinh tế. Ảnh: Hải Anh |
Di chứng để lại cho hệ thống ngân hàng là khối lượng nợ xấu lớn đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Để việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) hạn chế tổn thất và chi phí cho ngân sách nhà nước, các giải pháp được triển khai thời gian qua đã nhất quán theo hướng ưu tiên huy động nội lực. Theo đó, các tổ chức có quy mô lớn hơn và có tình hình tài chính tốt đã tham gia vào việc tái cấu trúc các TCTD nhỏ hơn, trong đó khuyến khích thực hiện giải pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại giữa các TCTD, lành mạnh hóa tài chính, tăng quy mô và chất lượng vốn tự có trên nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Đến nay, các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại đều hoạt động ổn định, cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu tái cấu trúc. Tài sản và vốn điều lệ của những ngân hàng này đều tăng, nhiều đơn vị chuyển từ hoạt động kinh doanh thua lỗ sang bắt đầu có lãi.
Theo các chuyên gia, ưu điểm lớn nhất của các phương án tái cơ cấu là không dùng đến ngân sách nhà nước. Các ngân hàng tự nguyện sáp nhập hoặc dùng vốn của nhà đầu tư, tập đoàn tư nhân. Thực tế là những ngân hàng trước đây từng bị coi là yếu kém đều đã cơ bản hoàn thành tái cơ cấu, chủ yếu là do sáp nhập, tự tìm nhà đầu tư hoặc tự tái cơ cấu. Đó là thương vụ sáp nhập 3 ngân hàng SCB, Đệ Nhất và Đại Tín; TienPhongBank trở thành một phần của Tập đoàn Doji; Habubank sáp nhập vào SHB; PVcombank vào Ngân hàng Phương Tây, Navibank tự xoay xở… Sau một thời gian dài loay hoay trong "bão", các ngân hàng này đã bắt đầu hoạt động có lãi.
Một số trường hợp yếu kém kéo dài, những ngân hàng chưa có phương án khả thi hoặc không thể tiếp tục thực hiện phương án đã duyệt đang được kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời về thanh khoản, bảo đảm duy trì hoạt động. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng phương án trình Chính phủ can thiệp đối với từng trường hợp, thậm chí là mua lại bắt buộc với giá 0 đồng như một biện pháp giải cứu, không để TCTD phá sản. Nếu sự kiện Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) bị mua 0 đồng gây "rúng động" bởi đây là việc làm chưa từng có tiền lệ, khi có thêm hai cái tên là Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cũng bị thu vào "rổ" 0 đồng, hầu hết mọi người đã giữ được thái độ khá bình thản. Sau một thời gian bị sử dụng biện pháp khá mạnh tay này từ cơ quan chức năng, các ngân hàng đã hoạt động ổn định, thậm chí có đơn vị đã bắt đầu sinh lợi. Vẫn còn nhiều bàn luận xung quanh những thương vụ mang tên 0 đồng này, song đây là quyết định không thể tránh khỏi của NHNN nhằm ổn định thanh khoản, thiết lập lại kỷ cương, kỷ luật cho toàn hệ thống.
Một giải pháp khác đã được NHNN sử dụng khá hiệu quả cho quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC). Từ đầu năm đến cuối tháng 10, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các TCTD. Lũy kế từ năm 2013, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu đạt 218.901 tỷ đồng tổng giá trị dư nợ gốc nội bảng, 191.381 tỷ đồng giá mua nợ. Cùng với việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC đã thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản bảo đảm đạt 15.669 tỷ đồng, điều chỉnh lãi suất cho 28 khoản nợ của 9 khách hàng với dư nợ gốc được điều chỉnh là 367 tỷ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 11 khách hàng với dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 446 tỷ đồng. VAMC được coi là công cụ hữu hiệu trong quá trình xử lý nợ xấu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, giúp TCTD giảm 225.602 tỷ đồng nợ xấu.
Tuy nhiên, hiệu quả của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng phụ thuộc nhiều vào kết quả tái cấu trúc các bộ phận khác. Là "xương sống" của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng phải thường xuyên chịu tác động từ những yếu kém của các bộ phận khác trong nền kinh tế. Việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng nói riêng và lành mạnh hóa hoạt động của khu vực ngân hàng nói chung sẽ khó đạt được kết quả cao khi hoạt động từ các khu vực khác vẫn còn hạn chế. Bởi vậy, tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020 cần có các chính sách để xử lý các "nút thắt" trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn trước, trong đó có vấn đề về tài sản bảo đảm để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống; xem xét tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước để tăng năng lực tài chính và cần có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa tái cấu trúc các TCTD với tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.