Góc nhìn

"Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”

Mai Lâm 16/03/2024 12:10

Thời gian gần đây những hình ảnh phản cảm của một số người khi tham gia giao thông được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội lại tiếp tục khiến dư luận bức xúc.

Đó là hai thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm trên đường vành đai 2 trên cao rồi tạt đầu, cản trở ô tô lưu thông, gây gổ, tấn công tài xế ô tô.

Đó là hành vi hung hăng đỗ xe, dùng dao chém hỏng lốp xe buýt của một thanh niên khi tham gia giao thông trên đường Hoàng Quốc Việt.

Đó là một “nữ tú” điều khiển ô tô trong tình trạng "ma men dẫn lối” rồi va chạm với xe máy trên phố Trần Cung.

Đó là tài xế điều khiển xe container đi vào đường cấm nhưng không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, cố tình bỏ chạy, đâm vào xe của cảnh sát giao thông trên cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu...

Những người vi phạm pháp luật chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, nhưng phía sau đó là câu chuyện đáng bàn: Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.

Nỗ lực xây dựng văn hóa ứng xử, trong đó có văn hóa giao thông là điều đã được quan tâm, được chú trọng tuyên truyền từ nhiều năm qua và trên thực tế đã thu được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Không khó để bắt gặp hình ảnh các cháu học sinh giúp đỡ người già, người khuyết tật sang đường hay cúi đầu cảm ơn khi được nhường đường. Những hình ảnh đẹp đó đã được lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, truyền năng lượng tích cực cho mỗi cá nhân.

Nhiều năm qua, việc tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cũng đã được triển khai tại các trường mầm non, tiểu học thông qua những tiết học, bài giảng, tình huống đơn giản nhưng sinh động, gần gũi, dễ hiểu, và qua các em có tác động ngược trở lại với các phụ huynh vốn tất bật mưu sinh, đôi khi không để ý tín hiệu, hiệu lệnh giao thông. Chắc hẳn các bậc phụ huynh cũng sẽ vui khi mỗi lần được con hỏi han, “nhắc bài” tuân thủ luật pháp khi tham gia giao thông. Chứng kiến các bé yêu cầu, nhắc nhở phụ huynh phải dừng chờ đèn xanh theo đúng quy định rồi hãy tiếp tục hành trình đến lớp, về nhà, hẳn không ít người sẽ thấy vui mừng khi những thói quen văn minh đã và đang hình thành trong thế hệ trẻ.

"Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận”. Giúp con trẻ duy trì thói quen tốt là nhiệm vụ của người lớn, mà trước hết là những người thân trong gia đình phải gương mẫu thực hiện. Làm sao có thể dạy bảo con cái khi chính bản thân vi phạm quy định pháp luật, ứng xử thiếu văn minh khi tham gia giao thông? Làm sao con cái có thể tự tin với bạn bè khi hình ảnh phụ huynh vi phạm quy định, chửi bới, đánh lộn khi xảy ra va chạm trên đường được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội?

Trong bối cảnh này, càng thấy sự đúng đắn và ý nghĩa của Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” mà Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành. Theo đó, để xây dựng lối sống thanh lịch, văn minh thì đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và thường xuyên, nâng cao vai trò hạt nhân của gia đình.

Và như ai đó đã nói: "Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình!”, mỗi người lớn hằng ngày cần tự "sửa mình", điều chỉnh hành vi, ứng xử nhằm nêu gương, giúp trẻ hình thành nếp sống văn minh và lan tỏa mạnh mẽ những nhân tố tích cực trong thế hệ tương lai của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.