Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án đường trục phía Nam qua địa phận xã Hồng Minh - Phú Xuyên

Bạch Thanh| 31/03/2023 07:37

(HNMO) - Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) qua địa phận huyện Phú Xuyên được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, được đông đảo người dân quan tâm. Tuy nhiên, những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn huyện, đặc biệt là 53 thửa đất ở liên quan đến 48 hộ dân với diện tích 6.632,2m2 tại xã Hồng Minh đang gây khó khăn cho quá trình triển khai dự án, rất cần được các cấp, ngành, chủ đầu tư tháo gỡ.

Cán bộ địa phương tiếp thu, kiểm tra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng của dự án.

Khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất

Chỉ vào vị trí đất đã được đơn vị thi công đổ đất, đang thi công ngay sát mặt đường tỉnh lộ 429, ông Nguyễn Quang Thoàn ở thôn Phù Bật, xã Hồng Minh cho biết: "Mặc dù chưa nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng, song để bảo đảm tiến độ dự án, gia đình tôi vẫn cho đơn vị thi công đổ đất, san nền... Bởi, hầu hết các hộ gia đình thuộc diện phải giải phóng mặt bằng rất mong dự án sớm hoàn thành, góp phần thay đổi đời sống của người dân địa phương".

Dù chưa nhận được tiền đền bù, gia đình ông Nguyễn Quang Thoàn vẫn bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Theo ông Nguyễn Quang Thoàn, năm 1995, 1996, gia đình ông thuộc diện gia đình chính sách, người có công, nên được mua đất tại khu vực Ao Vôi, giáp đường tỉnh lộ 429, thông qua hình thức bốc thăm. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, gia đình ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, trong phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện và chủ đầu tư, gia đình ông được xác định thuộc diện giao đất trái thẩm quyền, với lý do "giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này không đúng quy cách, bị tẩy xóa…". Khu vực Ao Vôi những năm đó là ao sâu, để có thửa đất như hôm nay, các hộ dân đều phải bỏ nhiều tiền, công sức kè đá chống sạt lở, đổ đất san nền.

Còn theo ông Nguyễn Quang Khâm, cũng ở thôn Phù Bật, khi có chủ trương xây dựng đường trục phía Nam qua khu vực này, từ năm 2008 đến nay, các hộ dân đều giữ nguyên hiện trạng, chờ bồi thường, giải phóng mặt bằng, không xây dựng bất kỳ công trình nào trên đất. Ông Khâm cho biết, giá đền bù giải phóng mặt bằng thấp so với mặt bằng chung trong khu vực và chỉ bằng khoảng 30% giá thị trường. Không những vậy, đơn vị bồi thường, giải phóng mặt bằng lại thực hiện đối chiếu việc nộp tiền sử dụng đất theo Quyết định số 47-QĐ/UB ngày 1-3-1995 của UBND tỉnh Hà Tây, quy định đối với vị trí đất loại II, hạng 1 bảng giá đất ven đường giao thông là 250.000 đồng/m2 (vị trí các hộ tiếp giáp đường tỉnh lộ 429, trước là đường 73). Theo đó, số tiến 5.000.000 đồng/suất các hộ đã nộp năm 1995-1996, nay được quy đổi tương ứng với 20m2. Đây là một sự bất hợp lý, quá bất công đối với các hộ dân.

Các hộ dân kiến nghị xem xét lại cách đánh giá nguồn gốc đất đai để có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng thỏa đáng.

Ngoài những vướng mắc nêu trên, năm 2008, tại xã Hồng Minh, chính quyền địa phương đã giao trái thẩm quyền 15 thửa đất cho các hộ dân, khiến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Ông Phạm Hữu Thực, một trong những hộ dân thuộc diện được giao đất trái thẩm quyền giai đoạn này chia sẻ: "Đầu năm 2008, xã Hồng Minh thực hiện việc bình xét, bốc thăm và thu tiền đất theo giá quy định là 24.300.000 đồng/suất đất. Gia đình tôi đã được nhận đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính như các hộ dân khác, mà không hề biết vị trí đất của gia đình nằm ngoài quyết định của huyện. Chúng tôi mong cơ quan chức năng xem xét và có chính sách bồi thường thỏa đáng cho người dân, vì chúng tôi mua đất ở của địa phương một cách công khai, chứ không phải là đất lấn chiếm, hay mua bán chui lủi".

Cần có chính sách bồi thường phù hợp, thỏa đáng

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, cán bộ địa chính xã Hồng Minh Lê Việt Cường cho biết, toàn bộ các hộ dân có đất thuộc vị trí ven đường tỉnh lộ 429 thuộc diện giải phóng mặt bằng của dự án đều không đồng ý với việc quy đổi như trên và có ý kiến đã nộp 5.000.000 đồng/suất là đủ cho toàn bộ diện tích đất được giao. Địa phương đã thành lập tổ xác minh và nội dung này cũng đã được các đồng chí nguyên lãnh đạo UBND xã, cán bộ địa chính, trưởng thôn thời kỳ 1995-1996 xác nhận là đúng và cao hơn so với giá thu tiền sử dụng đất tại địa phương đối với các vị trí tương tự tại thời điểm đó.

Quyết định số 47-QĐ/UB ngày 1-3-1995 của UBND tỉnh Hà Tây quy định đối với vị trí đất ở nông thôn có nhiều điểm bất hợp lý, nếu như vị trí vị trí đất loại II, hạng 1 bảng giá đất ven đường giao thông là 250.000 đồng/m2, thì cùng loại đất nhưng dãy phía trong chỉ có 2.200 đồng/m2, bước giá chênh lệch tới hơn 100 lần. Trong khi đó, thực tế các hộ được giao đất có thu tiền trong khu vực này chênh lệch không đáng kể về nghĩa vụ tài chính. Trong quá trình xác minh nguồn gốc đất, các hộ dân dãy phía trong nộp thừa tiền theo quy định, đều đã có đơn xin miễn truy thu và chấp nhận với giá của địa phương giai đoạn đó.

Về việc một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một số hộ bị tẩy xóa, kẻ vẽ không đúng với quy cách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan chức năng, nên không được công nhận, các hộ dân tại thôn Phù Bật khẳng định, đây là hiện trạng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của địa phương trao trả cho người dân từ năm 1996, đến nay, các hộ bảo quản nguyên vẹn. Nếu đó là giả, thì cần phải có người chịu trách nhiệm và ra quyết định thu hồi, hủy theo quy định. Còn trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ đang giữ chưa đúng quy cách, thì việc này thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương giai đoạn đó, không thể đổ trách nhiệm lên người dân, rồi quy kết là đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất giao trái thẩm quyền… 

Từ năm 2008 đến nay, hầu hết các thửa đất trên địa bàn thôn Phù Bật, xã Hồng Minh vướng vào dự án, người dân giữ nguyên hiện trạng, chờ đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng tiến độ giải quyết chậm.

Trưởng thôn Phù Bật Nguyễn Quang Kiên cho hay, để tạo đồng thuận của người dân, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cần phải được nhìn nhận một cách khách quan, thấu đáo, bởi những năm 1990, cán bộ địa chính cấp cơ sở hầu hết chưa được đào tạo bài bản chính quy, thường kiêm nhiệm. 

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, huyện Phú Xuyên kiến nghị UBND thành phố có ý kiến với nhà đầu tư (Công ty cổ phần địa ốc Cienco 5 và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5) phối hợp với UBND huyện tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Huyện cũng kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và có cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ đặc thù đối với 15 thửa đất được giao trái thẩm quyền năm 2008 để thực hiện việc bồi thường cho các hộ.  

Tổng diện tích giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thực hiện dự án đoạn qua địa bàn huyện Phú Xuyên khoảng 42,8ha, có chiều dài khoảng 8,83km thuộc địa bàn 5 xã: Hồng Minh, Phú Túc, Hoàng Long, Tri Trung, Châu Can. Đến nay, UBND huyện Phú Xuyên đã giải phóng mặt bằng đoạn qua các xã: Hồng Minh, Tri Trung, Hoàng Long, Phú Túc với diện tích 313.388,90m2, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 212.658.624.589 đồng. Diện tích đang giải phóng mặt bằng là 114.974,0m2.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án đường trục phía Nam qua địa phận xã Hồng Minh - Phú Xuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.