(HNM) - Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, sáng qua 11-1, Cục Xuất bản và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã công bố hai cuốn sách quý, với nhiều thông tin lần đầu tiên được công bố.
Với hơn 400 trang viết, "Hồ Chí Minh - Người mang lại ánh sáng" giới thiệu với bạn đọc 61 tác phẩm viết về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm không chỉ làm nổi bật tầm tư duy của Người, mà còn cho thấy cả những giây phút lắng đọng nhất của vị Cha già dân tộc. Tên gọi cuốn sách được trích từ bài viết của nhà văn, nhà báo Stanley Karnow (người từng đoạt giải báo chí Pulitzer) về Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã được đăng trên Tạp chí Time nhân sự kiện tạp chí này bình chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong 20 chính khách thế giới có ảnh hưởng nhất đến hành tinh của chúng ta trong thế kỷ XX (số phụ trương ngày 13-4-1998). Tầm ảnh hưởng của Bác Hồ còn được thể hiện qua những câu chuyện tình người ấm áp, trong bài viết "Hồi ức về cha tôi" của người cháu nuôi Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông Stefan - Hồ Chí Dũng, lần đầu tiên được công bố. Cha của Stefan - Hồ Chí Dũng là vị đại úy QĐND Việt Nam Stefan - Hồ Chí Toán (người Ba Lan), con trai nuôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bạn đọc cũng có thể tìm thấy ở đây nhiều thông tin quý giá khác về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, chính khách thế giới và Việt Nam như Lise London, chiến sĩ quốc tế người Pháp; I.B.Bukharkin, Chủ tịch Hội Lưu trữ Ngoại giao quốc tế; Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục Vũ Đình Hòe, nhà giáo Hoàng Đạo Thúy…
Cuốn sách ảnh "Ký ức về những ngày độc lập đầu tiên" là bộ sưu tập hình ảnh về những sự kiện chính trị diễn ra chủ yếu tại Hà Nội và một số địa phương ở miền Bắc nước ta từ ngày 17-8-1945 đến ngày 18-6-1946. Điều đặc biệt là những tấm ảnh này được chọn lọc từ album ảnh do các nhà nhiếp ảnh của Bộ Tuyên truyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện, được chính quyền ta tặng cho Đại úy Pháp Sellon, người của Phủ Cao ủy Pháp tại Hà Nội khi đó. Tập album đã ở bên vị đại úy này cho tới khi Sellon thành sĩ quan cấp tướng. Sau đó, có lẽ tự thấy sứ mệnh của những bức ảnh lịch sử này nên Sellon đã chuyển tập album cho nhà báo, nhà sử học Pháp, Philippe Devillers-tác giả của nhiều công trình nghiên cứu lịch sử hiện đại Việt Nam. Mới đây, tập ảnh đã đến tay GS Phan Huy Lê và nó đã được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bỏ công biên soạn kỹ phần chú thích. Trong số hơn 200 tấm ảnh, có gần 40 bức có hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, phần lớn số ảnh này đều không có ở trong nước, do bị hỏng hoặc mất mát.
Bộ sách ảnh, vì vậy, là di sản quý giá của nhiếp ảnh cách mạng nói chung, của ngành truyền thông nói riêng. Những gương mặt người, những con đường, nếp nhà, không khí của những thời khắc vĩ đại của dân tộc trong mỗi khuôn hình ấy sẽ góp phần tô thắm thêm niềm tự hào về đất nước ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.