Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều trường đưa ra định hướng tuyển sinh sớm: Nhiều lựa chọn cho thí sinh

Khánh Vũ| 12/01/2016 07:18

(HNM) - Mặc dù quy chế tuyển sinh chính thức năm 2016 dự kiến được Bộ GD-ĐT công bố sớm nhất là trước tết Nguyên đán, song nhiều trường đại học đã sớm đưa ra định hướng tuyển sinh để cả thí sinh và nhà trường có thêm thời gian chuẩn bị.


Sớm hơn, nhiều đợt hơn

Nhìn chung, năm 2016, phương án tuyển sinh của các trường dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 theo hướng sử dụng một trong 2 phương án hoặc cả 2 phương án sau: Sử dụng kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 của thí sinh dự thi ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì; sử dụng kết quả học bạ THPT theo tổ hợp môn thi để xét tuyển vào các ngành của trường. Các trường tuyển sinh dựa vào kết quả THPT của thí sinh đều có quy định ngưỡng chất lượng đầu vào, thường thì điểm trung bình chung của 3 năm THPT là 6 trở lên đối với ĐH và 5,5 trở lên đối với CĐ.

Tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Ảnh: Bá Hoạt


Sau khi gây xôn xao dư luận vì được chấp thuận đào tạo ngành y - dược, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhanh chóng công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2016. Theo đó, tổng chỉ tiêu của trường là 7.000 cho 18 ngành đào tạo, không bao gồm ngành y đa khoa và dược học. Điều kiện xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT và tiêu chí xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở lớp 12 bậc THPT. Cụ thể, thí sinh phải có tổng điểm kết quả học tập ba môn theo tổ hợp xét tuyển tương ứng từ 18 điểm trở lên, hạnh kiểm khá trở lên. Đợt xét tuyển đầu tiên bắt đầu từ ngày 1-1 đến hết ngày 15-2. Đợt tuyển sinh thứ 2 của trường dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 và 10-2016. Về các ngành y đa khoa và dược học, hiện nhà trường đang bổ sung cơ sở vật chất cùng đội ngũ giảng viên và báo cáo Bộ GD-ĐT, sau khi có quyết định của Bộ thì trường mới thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể đối với hai ngành này.

Từ nhiều năm nay, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội có phương án tuyển sinh khá khác biệt, với nhiều đợt tuyển sinh được tổ chức trong một năm. Năm nay, trường tuyển sinh 5 đợt cho 450 chỉ tiêu thuộc 8 ngành đào tạo, 3 đợt tuyển đầu tiên diễn ra trước kỳ thi THPT quốc gia và các thí sinh sẽ có kết quả vào trường trước tháng 7. Các thí sinh đăng ký dự tuyển đợt 4 và 5 phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia với tổ hợp 3 môn thi trong số các môn toán, lý, hóa, sinh, tiếng Anh đạt điểm chuẩn của trường.

Trường Đại học FPT cũng có một số thay đổi trong phương thức thi tuyển. Kỳ thi năm 2016 sẽ diễn ra vào ngày 15-5 với điểm mới là 100% thí sinh làm bài thi trên máy tính. Kỳ thi tiếp tục theo hình thức trắc nghiệm và viết luận. Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của trường là 2.000 cho 9 chuyên ngành. Có hai chuyên ngành mới là kinh doanh quốc tế và công nghệ thông tin; đối tượng tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc sẽ tốt nghiệp THPT năm 2016.

Ở phía Nam, những trường sớm đưa ra phương án tuyển sinh là ĐH Hoa Sen, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế tài chính TP Hồ Chí Minh, ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh...

Cân nhắc quy mô

Được biết, một số trường hiện cũng muốn sớm đưa ra phương án tuyển sinh để thu hút sự chú ý của thí sinh, song, do có quy mô tuyển sinh lớn hơn 15.000 thí sinh nên còn e ngại. Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các trường ĐH về việc siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016. Theo đó, các cơ sở giáo dục ĐH có quy mô sinh viên ĐH chính quy vượt quá quy định có trong Thông tư 32 thì sẽ được khống chế chỉ tiêu không vượt quá năm 2015. Thông tư 32 có hiệu lực từ tháng 2-2016, yêu cầu quy mô tối đa của trường ĐH không vượt quá 15.000 sinh viên chính quy. Bộ cũng yêu cầu các trường xây dựng lộ trình giảm dần quy mô sinh viên ĐH chính quy và gửi báo cáo về Bộ GD-ĐT trước ngày 31-3-2016 để xem xét, quyết định. Trong số 18 trường có quy mô sinh viên ĐH chính quy cao hơn quy định có ĐH Cần Thơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương mại, ĐH Thủy lợi, ĐH Mỏ - Địa chất…

Đa số các trường nói trên đều chưa đưa ra kế hoạch rõ ràng về lộ trình giảm chỉ tiêu. Lãnh đạo một trong các trường kể trên cho biết: Mặc dù chưa biết sẽ giảm bằng cách nào song điều đó chưa khiến họ quá lo lắng bởi nếu Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường xây dựng lộ trình giảm dần quy mô thì có nghĩa là vẫn còn có thời gian để "chống sốc". Một số trường cho biết sẽ đề xuất với Bộ để được giữ nguyên quy mô đào tạo với các lý do như đào tạo ngành đặc thù, phục vụ nhu cầu nhân lực địa phương, nhu cầu quy hoạch kinh tế vùng… Đại diện của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện có quy mô hơn 30.000 sinh viên, nhà trường sẽ đưa ra phương án điều chỉnh chỉ tiêu sau khi Bộ có các quy định tuyển sinh cụ thể hơn. Tuy nhiên, nhìn chung, dù muốn hay không, các trường đều đang chuẩn bị cho những thay đổi lớn trong các mùa tuyển sinh sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều trường đưa ra định hướng tuyển sinh sớm: Nhiều lựa chọn cho thí sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.