Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều trở ngại trong phòng, chống cháy rừng ở Sóc Sơn

Đức Duy| 14/06/2023 07:04

(HNM) - Từ đầu năm 2023 đến nay, số vụ cháy rừng tại huyện Sóc Sơn tăng đột biến, gây thiệt hại hơn 35ha rừng phòng hộ. Tuy nhiên, việc truy tìm thủ phạm gây cháy rừng của các cơ quan chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Tiến Lâm về nguyên nhân, biện pháp quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng tại Sóc Sơn.

Hiện trường vụ cháy rừng phòng hộ tại địa bàn giáp ranh xã Hiền Ninh và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), ngày 4-6. Ảnh: Văn Đức

- Xin ông cho biết nguyên nhân khiến số vụ cháy rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn tăng mạnh trong thời gian vừa qua?

- Huyện Sóc Sơn có hơn 4.500ha rừng và đất lâm nghiệp. Diện tích rừng phân bố ở 11/26 xã, thị trấn. Rừng ở Sóc Sơn ngoài giá trị về kinh tế, văn hóa, du lịch, còn có vai trò quan trọng về bảo vệ môi trường sinh thái. Thời gian vừa qua, rừng ở Sóc Sơn liên tiếp xảy ra cháy do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do thiên nhiên, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng bất thường... Tuy nhiên, xác suất của nguyên nhân này ít có khả năng xảy ra.

Nguyên nhân chủ quan là do con người vô ý hay cố ý phá hoại rừng, như mang nguồn lửa vào rừng đốt ong lấy mật, dọn thực bì và đốt rừng do mâu thuẫn cá nhân... Thực tế, từ đầu năm 2023 đến nay, tại Sóc Sơn xảy ra 17 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 35ha rừng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm 2022. Chẳng hạn, 3 vụ cháy rừng xảy ra liên tiếp ngày 4-6 vừa qua trên địa bàn các xã: Minh Trí, Nam Sơn, Hiền Ninh, qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định có yếu tố phá hoại của con người.

- Như vậy, nhiều vụ cháy rừng có khả năng do con người gây ra, nhưng tại sao việc truy tìm đối tượng gây cháy lại gặp khó khăn, thưa ông?

- Theo quy định, sau khi dập tắt đám cháy rừng, lực lượng kiểm lâm phối hợp với công an khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân để xử lý. Tuy nhiên, phần lớn các vụ cháy rừng từ trước đến nay trên địa bàn huyện Sóc Sơn đều chưa thể xác định được nguyên nhân để truy cứu trách nhiệm. Đơn cử vụ cháy rừng ở xã Minh Trí trong ngày 5 và 6-1-2023 làm thiệt hại 14,64ha rừng phòng hộ. Mặc dù, ngay khi còn hiện trường, lực lượng kiểm lâm phối hợp với Công an xã vào cuộc điều tra, nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm ra manh mối do mất dấu vết.

Ngoài ra, việc giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cho cá nhân, đơn vị, địa phương đã được tiến hành, thế nhưng việc quy trách nhiệm mỗi khi cháy rừng xảy ra lại chưa được thực hiện. Điều này là trở ngại lớn cho công tác điều tra, xử lý vi phạm đối với các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.

- Để ngăn ngừa và tiến tới kiểm soát được cháy rừng xảy ra tại huyện Sóc Sơn, theo ông cần triển khai những giải pháp gì?

- Trước tình trạng cháy rừng xảy ra ở Sóc Sơn với tần suất nhiều như vậy, chúng tôi đã tham mưu Sở NN&PTNT Hà Nội có văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng; chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp với chính quyền cấp xã, chủ rừng, các tổ đội chữa cháy rừng ở cơ sở rà soát, kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong chữa cháy rừng. Phân công lực lượng ứng trực 24/24h trong suốt mùa nắng nóng tại các chòi canh lửa, trạm bảo vệ rừng và Văn phòng Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đối với các khu rừng trọng điểm và các khu rừng có nguy cơ cháy cao, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền các xã, chủ rừng lập chốt kiểm soát người ra vào rừng, bố trí lực lượng tuần tra canh gác để sẵn sàng ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống gây cháy rừng. Phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện Sóc Sơn tăng cường tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng.

Ngoài ra, để công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn có hiệu quả hơn, chúng tôi tham mưu Sở NN&PTNT báo cáo UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố lập chuyên án điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, truy rõ đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Những trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm đề nghị cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý công khai đối tượng vi phạm để tăng tính răn đe. Có như vậy mới hạn chế phá rừng, cháy rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều trở ngại trong phòng, chống cháy rừng ở Sóc Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.