Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều “trái ngọt” an sinh

Minh Vũ| 15/02/2023 18:15

(HNMO) - Với hành trình 28 năm bền bỉ đưa các chính sách an sinh đi vào đời sống (16/2/1995 - 16/2/2023), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nhận về nhiều “trái ngọt”. Đó là tỷ lệ người dân, người lao động, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp liên tục tăng, quyền lợi mà họ được hưởng ngày một nhiều; lưới an sinh ngày càng mở rộng…

Những dấu ấn đậm nét

Ngày 15-2, BHXH Việt Nam cho biết, dấu ấn đậm nét trên hành trình vì sự nghiệp an sinh thể hiện rõ qua số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia các chính sách không ngừng tăng. Cụ thể, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người vào cuối năm 1995 (năm đầu tiên thực hiện chính sách), lên hơn 16 triệu người vào cuối năm 2022, tương ứng với mức tăng hơn 7,5 lần sau hơn 27 năm.

Số gười tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6.000 người vào cuối năm 2008 (năm đầu tiên thực hiện chính sách), lên gần 1,5 triệu người vào cuối năm 2022, tương ứng với mức tăng 250 lần sau hơn 14 năm. Đáng chú ý, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ gần 6 triệu người vào thời điểm cuối 2009 lên hơn 14,3 triệu người vào cuối năm 2022, tăng gấp hơn 2,4 lần sau hơn 13 năm.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành BHXH bền bỉ đưa các chính sách đến với người dân.

Chính sách BHYT với 9,1 triệu người tham gia trong năm đầu tiên (1995), tăng lên hơn 91,1 triệu người vào cuối năm 2022, tăng gấp 12,8 lần. So với quy mô dân số, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT để được chi trả phần lớn chi phí khám, chữa bệnh đạt tỷ lệ bao phủ 92,04%, cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.

Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Dẫn chứng là, từ khi các chính sách đi vào đời sống, ngành BHXH đã giải quyết cho hơn 136 triệu lượt người hưởng hế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Ngành cũng phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh BHYT đối với hơn 2,368 tỷ lượt người. Hằng tháng, hàng triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH nhận đầy đủ số tiền lương đúng thời gian quy định.

Kết quả ấn tượng khác trên hành trình vì sự nghiệp an sinh, đó là các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT được cắt giảm, đơn giản tối đa, từ 263 thủ tục cần thực hiện vào năm 2009, xuống còn 25 thủ tục ở thời điểm hiện nay. Đáng chú ý, 100% thủ tục hành chính ngành BHXH được cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tích hợp trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, từng bước tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hoạt động với tinh thần: “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đối tượng để phục vụ”, ngành BHXH nhận về không ít “trái ngọt”. Đó là, năm 2022, chỉ số “mức độ hài lòng” về giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội đạt hơn 80%. Đây là “phần thưởng” ý nghĩa nhất đối với những người có vai trò đưa BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đến với người dân, người lao động.

Mừng hơn, trong 4 năm liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2020), BHXH Việt Nam được đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả và được xếp hạng 2 trong khối bộ, ngành và đứng thứ nhất bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ.

Mới đây, tại Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, BHXH Việt Nam đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng và đứng đầu trong khối cơ quan Trung ương thuộc Chính phủ.

Kiên trì mục tiêu mở rộng “lưới” an sinh

Những kết quả đạt được của ngành BHXH trong 28 năm qua là động lực, nền tảng để toàn ngành BHXH nỗ lực hơn, thành công hơn. Trước mắt, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 có khoảng 40,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 31,7% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp và khoảng 93,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế; đạt và vượt số thu được giao. Tỷ lệ chậm đóng các chính sách còn dưới 2,91% so với tổng số tiền cần thu. Để đạt mục tiêu này, trong năm 2023, toàn ngành cần phát triển thêm 892.000 người tham BHXH bắt buộc; 314.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 1,978 triệu người tham gia BHYT…

Đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc hiện thực hóa các mục tiêu của ngành BHXH không dễ thực hiện. Nhằm chủ động biến những khó khăn, thách thức thành động lực phát triển, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thời gian tới, toàn ngành tập trung thực hiện 9 nhóm giải pháp. Trong đó, nhóm giải pháp trọng tâm là tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tại các cơ quan, đơn vị, phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, Quỹ BHYT, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, ngành tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình nghiệp vụ; đa dạng hóa hình thức cung cấp dịch vụ công… Giải pháp này góp phần tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thụ hưởng chính sách, chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Dùng công nghệ xác thực vân tay phục vụ khám, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa An Việt, địa chỉ tại đường Trường Chinh (Hà Nội).

Về chuyển đổi số, ngành BHXH xác định rõ đây là giải pháp mang tính chiến lược, vừa tạo nền tảng cho ngành phát triển theo hướng bền vững, vừa góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trên tinh thần đó, đến nay, hệ thống điện tử đã xác thực hơn 74,1 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở quốc gia về bảo hiểm với cơ sở quốc gia về dân cư; đồng thời cung cấp, chia sẻ gần 72,3 triệu lượt thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ nguồn dữ liệu liên thông, các đơn vị chức năng cung cấp thêm một số dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT. Nổi bật là, cả nước đã có hơn 12.200 cơ sở y tế phục vụ người dân khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế điện tử (tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp, qua ứng dụng VssID) thay thế cho thẻ bằng giấy. Thậm chí, một số cơ sở còn dùng công nghệ xác thực vân tay trên căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT…

Từ những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ hơn, những “trái ngọt” nhận về trong hành trình 28 năm xây dựng, phát triển của BHXH Việt Nam góp phần mở rộng “lưới” an sinh xã hội đến số đông người dân, người lao động. Kết quả này tạo nền tảng, điểm tựa để nhiều người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống, chủ động chăm sóc sức khỏe...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều “trái ngọt” an sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.