Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều tồn tại, thách thức

Hà Tuấn| 30/10/2015 06:33

(HNM) - Nhìn lại chặng đường 40 năm phát triển của ngành giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia giao thông và nhà khoa học cho rằng, những năm tới, hạ tầng giao thông thành phố sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bởi dù đã nỗ lực đầu tư cải thiện mạng lưới hạ tầng giao thông nhưng vẫn


Nhiều tồn tại

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học (Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dù cơ sở hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh đang được đầu tư mạnh mẽ và được cải thiện nhiều, nhưng những năm tới, hạ tầng giao thông thành phố sẽ đối mặt với sự quá tải. Điều dễ nhận thấy là tình trạng kẹt xe rất khủng khiếp. "Cách đây 5 năm, kẹt xe chủ yếu ở các cửa ngõ vào thành phố, các điểm giao nhau của các trục đường chính và giờ cao điểm sáng, chiều, nhưng hiện nay hầu như kẹt xe triền miên vào bất cứ thời gian nào, số thời gian kẹt xe lâu hơn, đáng báo động mỗi lần kẹt xe vào cửa ngõ thành phố kéo dài từ 2 đến 3 giờ, thậm chí ở các cây cầu huyết mạch, giao lộ và trục chính có thể lên tới 6 giờ, kỷ lục lên tới 11 giờ", PGS.TS Nguyễn Minh Hòa phản ánh.

Hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh đang quá tải nghiêm trọng.



Cũng theo các chuyên gia giao thông, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận mỗi năm khoảng từ 200.000 đến 300.000 người nhập cư và dự báo đến năm 2030 dân số thành phố đạt khoảng 15 triệu người. Trong khi, mỗi ngày thành phố có thêm 1.200 xe máy và hơn 100 xe ô tô con đăng ký mới. Ngược lại, tỷ lệ đất dành cho giao thông rất thấp, chỉ khoảng 1,7 đến 2% trên tổng diện tích đất đô thị, diện tích mặt đường tính trên đầu người chỉ 2,2 m2/người.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Kích, nguyên cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh sẽ đối mặt với hai thách thức lớn. Thứ nhất, hạn chế về tầm nhìn và chất lượng quy hoạch. Cụ thể, công tác quy hoạch làm theo quy trình ngược, tức là các quận, huyện quy hoạch trước, sau đó ghép lại thành quy hoạch của thành phố, dẫn đến sự trùng lắp và tạo ra nạn phong trào đầu tư. Hệ quả, thành phố không hình thành được các phân khu chức năng rõ ràng, từ đó không tổ chức được các tuyến giao thông công cộng hợp lý và hiệu quả. Minh chứng là trợ giá xe buýt đổ hàng nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm nhưng chỉ đáp ứng dưới 10% nhu cầu đi lại của người dân. Chưa dừng lại, việc xây dựng cốt nền đô thị bộc lộ nhiều bất cập. Điển hình là thi công xây dựng bằng cách đổ chồng lên nền cũ các vật liệu như cát, đá, xi măng, nhựa đường… Thế nên, mặt đường cao hơn nhà dân có khi tới vài mét. Vì thế, đường phố thành đê bao, cùng với mưa và triều cường nên ngập úng còn hành hạ người dân dài dài. Thứ hai, tổ chức điều hành, quản lý hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị còn nhiều bất cập kéo dài. Cụ thể, hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của thành phố; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng; sự không đồng bộ của các dự án hạ tầng; sức hút đầu tư của các dự án hạ tầng thấp; nhiều vướng mắc trong đấu thầu về giá, về năng lực của nhà thầu, về giải phóng mặt bằng, về quan hệ giữa chủ đầu tư với nhà thầu, với tổ chức giám sát…, đến nay vẫn chưa được giải quyết rõ ràng, minh bạch.

Để minh chứng cho nhiều hạn chế trên, TS Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đưa ra khảo sát trên gần 1.600 người tham gia giao thông. Theo đó, có đến 66% người dân cho rằng không an toàn khi tham gia giao thông trong thành phố; có trên 71% người dân đánh giá dưới mức trung bình về mức độ hài lòng về giao thông thành phố. Nguyên nhân chủ yếu do vấn đề kẹt xe và mức độ an toàn thấp, chiếm gần 92%.

Quá nhiều việc phải làm

Để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng, trước hết cần phát triển đa dạng các loại hình giao thông như: Metro; monorail trên cao; xe mini bus của tư nhân; khôi phục lại hệ thống giao thông thủy; phát triển đường giao thông liên vùng, khép kín đường vành đai; hạn chế xe máy… "Giao thông TP Hồ Chí Minh hiện đang trong tình trạng rất tồi tệ, giống như Bangkok hay Manila 15 năm trước. Thế nên, chính quyền TP Hồ Chí Minh cần phải tìm ra những hướng đầu tư ưu tiên và huy động được nguồn lực và sự đồng thuận của người dân", PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho biết.

Còn theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Chính sách quốc gia, trong 40 năm phát triển của ngành Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, đến nay vẫn tồn tại 6 lực cản cơ bản. Cụ thể, quy hoạch đô thị không ổn định; dân số đông, mật độ cao; tập quán kinh doanh và nếp sống của cư dân; cơ chế quản lý đô thị còn chồng chéo; biến đổi khí hậu; tổ chức giao thông và văn hóa giao thông. Từ đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, ngành Giao thông thành phố cần chủ động trong việc xây dựng quy hoạch mạng lưới giao thông, qua đó, góp phần hạn chế quá trình "nén dân số" vào khu trung tâm, phân bố lại dân cư và quy hoạch vùng hợp lý hơn, giải quyết căn bản mạng lưới hạ tầng giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tồn tại, thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.