Là thể loại được các cơ quan báo chí đầu tư nhất, gây hiệu ứng lớn nhất với độc giả, nhưng hiện nay thể loại phóng sự, phóng sự điều tra đang có dấu hiệu mai một.
Ngày 16-3, trong khuôn khổ diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, phiên thảo luận với chủ đề: “Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích” thu hút rất đông độc giả, sinh viên ngành Báo chí cùng các nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí tham gia.
Mở đầu tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong, người từng tham gia nhiều loạt bài phóng sự điều tra, chia sẻ: Có thể nói rằng, phóng sự điều tra là trụ cột, là cốt cách của nền báo chí cách mạng từ nhiều năm qua. Đây là thể loại khó, gai góc, cần rất nhiều kỹ năng của nhà báo, phóng viên khi thực hiện. Các tác phẩm phóng sự thường "sống lâu" hơn các thể loại khác, thậm chí có thể in thành sách.
Tuy nhiên, nhà báo Phùng Công Sưởng cũng nhìn nhận, trong khoảng từ năm 2010 tới nay, thể loại báo chí điều tra đang dần thưa thớt, ít tác phẩm hấp dẫn cũng như bị lép vế so với một số thể loại báo chí khác.
Chia sẻ thêm về điều trăn trở này, nhà báo Phùng Công Sưởng cho rằng, ngay bản thân nhiều cơ quan báo chí hiện không quan tâm đúng mức tới thể loại phóng sự điều tra. Do khó tác nghiệp, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, rủi ro… nên các cơ quan báo chí đã không đủ nguồn lực để “nuôi” đội ngũ phóng viên tham gia vào thể loại này.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn kết đã có những chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện phóng sự điều tra cũng như những bài học rút ra phía sau trang viết. Đồng thời đưa ra các bài học “xương máu” trong hành trình dấn thân và làm nghề; quy trình bảo mật đề tài và quá trình thực hiện; cách bảo vệ nguồn tin và lưu trữ tài liệu…
Trong khi đó, từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí lớn về các loạt phóng sự điều tra, nhà báo Hồ Trí (Đài truyền hình Việt Nam) bày tỏ, nhà báo sau khi làm phóng sự điều tra sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro mà bản thân khó lường trước. Bản thân anh sau khi làm phóng sự điều tra về nạn phá rừng, đã bị tố cáo ngược lại rằng những thước phim phát sóng là dàn dựng và phóng viên đã cho tiền người dân để họ chặt cây, phá rừng sau đó quay phim. Tuy nhiên, những thước phim thực tế, những tư liệu và sự đồng hành, tin tưởng của lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam đã giúp anh vượt qua được những thông tin tiêu cực trên.
Tương tự, nhà báo Võ Mạnh Hùng (Báo điện tử VietnamPlus), người đã đoạt nhiều giải thưởng về các phóng sự điều tra, cũng cho biết: Người làm báo phải "trả giá" rất nhiều khi quyết định tham gia các loạt bài phóng sự điều tra. Cụ thể, như khi tham gia điều tra phá rừng, bản thân anh đã dành nhiều ngày để lăn lộn hiện trường, thậm chí bị bệnh hàng chục ngày nhưng vẫn quyết tâm thực hiện đến cùng. Một lần khác, khi tham gia điều tra về tình trạng mua bán động vật hoang dã trái phép, có cả động vật nằm trong sách đỏ, anh đã bị các đối tượng chống đối, tìm cách tẩu tán tang vật…
Là người chuyên viết phóng sự, phóng sự điều tra có tiếng, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Dân Việt) nhấn mạnh, những nguy hiểm, khó khăn, vất vả và cả sự cô đơn là những “bạn đồng hành” của người làm phóng sự điều tra, nên rất ít nhà báo dấn thân vào thể loại này.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ: Đây là thể loại cần nhất sự dũng cảm, dấn thân của người làm báo chân chính. Mục đích của các loạt phóng sự điều tra không gì khác chính là lan toả những điều tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội và đấu tranh, bài trừ những cái xấu.
Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân đúc kết, trong những năm qua, ông nhiều lần tham gia chấm giải báo chí và luôn thấy thích thú với các tác phẩm ở thể loại báo chí điều tra. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Vinh đã chia sẻ với các sinh viên, nhà báo trẻ rằng cần có 3 phẩm chất khi tham gia làm phóng sự điều tra. Đó là bản lĩnh trình độ, phẩm chất dấn thân và phương pháp tác nghiệp. Từ đó, ông mong muốn các thế hệ nhà báo tiếp tục dấn thân, làm đa dạng phong phú thể loại phóng sự điều tra, tạo ra hiệu ứng tích cực cho cộng đồng, xã hội.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Tổng Biên tập Báo Hànộimới, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ sự cảm thông, những rủi ro rất lớn mà các nhà báo phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ viết phóng sự điều tra, do thường phải đấu tranh với cái xấu. Do đó, với các nhà báo làm phóng sự điều tra, cần trang bị đủ bản lĩnh, kiến thức và kỹ năng tác nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.