Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều thách thức đối phó với ô nhiễm môi trường

L.H| 10/09/2010 12:41

(HNMO) - Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là đối với chất thải rắn, nước thải và không khí.


Theo thống kê chưa đầy đủ, chất thải rắn công nghiệp ở Hà Nội mỗi ngày có khoảng 750 tấn, trong đó mới thu gom 85-90% và xử lý được khoảng 60% lượng thu gom này. Công tác xử lý, tiêu hủy, tái chế chủ yếu dựa vào chôn lấp hợp vệ sinh tại một số bãi rác. Trong khi đó, phế thải xây dựng (trên 1000 tấn/ngày) chưa được thu gom triệt để.

Bên cạnh đó, tại các khu vực nông thôn, do chưa có quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn nên đã hình thành các bãi rác tự phát với quy mô diện tích từ vài chục đến vài trăm m2. Các bãi rác này phần lớn tận dụng vùng đất trũng, ao, hồ và không được phân loại chất thải, không lót đáy, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác… gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Mặt khác, hiện tại, chất thải rắn y tế nguy hại của một số bệnh viện đã được thu gom và xử lý tập trung tại lò đốt chất thải y tế Cầu Diễn, phần tro xỉ được đóng rắn và chôn lấp. Tuy nhiên, vẫn còn một số bệnh viện, một ở quận Hà Đông và 13 bệnh viện tuyến huyện đã có lò đốt nhưng hoạt động cầm chừng.Trong khi đó, các bãi chôn lấp chất thải rắn hiện đã sắp đầy báo động đỏ về tình trạng thiếu bãi chôn lấp.

Hiện nay, tổng khối lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố khoảng từ 100.000 đến 120.000m3/ngày đêm. Lượng nước thải của các cơ sở công nghiệp cũ nằm phân tán mới được xử lý 20-30%, chỉ có 3 khu công nghiệp tập trung mới (KCN Bắc Thăng Long, Phú Nghĩa và Quang Minh 1), 2 cụm công nghiệp (Ngọc Hồi và Phùng Xá) có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Còn lại phần lớn các cơ sở sản xuất đều không có trạm xử lý nước thải.

Trong khi đó, quá trình kiểm tra cho thấy tổng lượng nước thải sinh hoạt khu vực nội thành, nội thị khoảng 700.000m3/ngày đêm nhưng chỉ chưa đến 7% trong số này được xử lý. Số còn lại được xả thẳng ra mương, ao, hồ, sông.

Chính vì các lý do trên, kết quả quan trắc tại 13 hồ của Hà Nội cho thấy, hầu hết các chỉ số cũng đều vượt quy chuẩn nhiều lần, đặc biệt là các hồ Thủ Lệ, Hoàn Kiếm, Trúc Bạch, Ba Mẫu và Thành Công bị ô nhiễm nặng vào mùa khô. 4 con sông thoát nước chính của TP cũng đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất hữu cơ, vô cơ, các hợp chất nitơ, vi sinh vật, chất rắn lơ lửng, dầu mỡ. Một số vị trí phát hiện kim loại nặng vượt quy chuẩn môi trường, nước có màu đen, mùi hôi thối, đặc biệt là vào mùa khô.

Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện tại, không khí ở hầu hết các khu vực dân cư nội đô đều bị ô nhiễm. Đặc biệt, các khu vực như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đường Xuân Thủy, đường Khuất Duy Tiến,… ô nhiễm bụi đang ở mức cao nhất Hà Nội và xu hướng ngày càng gia tăng. Các khu vực ngã tư có mật độ xe cộ lưu thông cao, độ ồn cũng vượt quy chuẩn cho phép. Kết quả quan trắc bụi giao thông năm 2008 cho thấy, có tới 85% số điểm đo vượt quy chuẩn cho phép, cao hơn 2 lần so với năm 2007. Còn kết quả quan trắc 6 tháng đầu năm 2009 cho thấy tại 250 điểm đo kiểm, có 180 điểm có hàm lượng bụi lơ lửng vượt quy chuẩn.


Trên đường Phạm Hùng có nhiều công trình xây dựng, các phương tiện qua lại nhiều nên luôn mờ mịt bụi.

Tại các khu vực Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Kim Giang, Khương Đình, nồng độ bụi cao gấp từ 3,8 đến 6,3 lần quy chuẩn; đường Nguyễn Trãi có vị trí vượt đến 11 lần, đường Nguyễn Văn Linh vượt 10,8 lần; ngã ba Tam Trinh - Lĩnh Nam vượt 5,2 lần, đường Phạm Văn Đồng vượt 3,6 lần…Về độ ồn, kết quả quan trắc cho thấy có 27/34 vị trí có độ ồn vượt quy chuẩn. Tại hai ngã tư: bến xe buýt Long Biên, chân cầu vượt Phạm Văn Đồng và Ngã tư Ngô Gia Tự - Đức Giang, độ ồn vượt 1,18 lần…

Hà Nội (mới) hiện nay có 2430 làng nghề với hàng chục nhóm nghề như gốm sứ, dệt may, điêu khắc, khảm trai, thêu ren, sơn mài, mây tre đan..., trong số đó Hà Tây (cũ) có 1.160 làng có nghề thủ công, với 201 làng đã được công nhận làng nghề với các sản phẩm truyền thống nổi tiếng trên cả nước như lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, hàng mây tre Phú Vinh, tượng gỗ Sơn Đồng, giò chả Tân Ước, nem Phùng,... Tuy nhiên môi trường làng nghề đang là thách thức công tác quản lí, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Hà Tây nhập vào Hà Nội. Huyện Thường Tín có nhiều làng nghề nổi tiếng cả nước tạo ra những sản phẩm thủ công, giá trị cao như đồ sừng làng Thụy Ứng, sơn mài Hạ Thái, tranh thêu Quất Động, đồ tiện Nhị Khê, chăn ga gối đệm Trát Cầu.... Theo Sở TN&MT Hà Tây (cũ) thì các chứng bệnh như đau cột sống, đau dạ dày, viêm phế quản, viêm phổi, viêm da, đau mắt hột và đỏ, viêm đường ruột, phụ khoa, ỉa chảy, đặc biệt là viêm đường hô hấp ở trẻ em trong các hộ gia đình làng nghề xảy ra thường xuyên. Một vấn đề đặt ra là Hà Nội (mới) phải là thủ đô sạch. Do vậy, hàng loạt làng nghề sẽ phải cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường và đó là một thách thức lớn.

Những thông tin trên đã được các đại biểu đưa ra trong Hội thảo khoa học “Nghìn năm Môi trường Hoa Lư - Thăng Long- Hà Nội” được tổ chức vào ngày 9/9 tại Hà Nội. Đó là sự kiện hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hội thảo do Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Thủ Đô, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Ninh Bình, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Ninh Bình… tổ chức

Các tham luận tại hội thảo cho thấy, hiện nay, môi trường Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều thay đổi từ khi Thủ đô được dời từ Hoa Lư ra Thăng Long. Hàng ngàn km đê điều được nhiều thế hệ người Việt xây dựng, kiến tạo nên cả một vùng đồng bằng phù sa rộng lớn, bị ngừng bồi tụ do quai đê. Hiện tại, lũ lụt, ô nhiễm và suy thoái nguồn nước là những mối đe dọa môi trường gây nguy hiểm cho dân cư trong vùng Hoa Lư - Thăng Long và đã trở thành những vấn đề môi trường bức xúc nhất. Ngoài ra ý thức bảo vệ môi trường của mọi người còn thấp. Quản lý đô thị nói chung, quản lý môi trường nói riêng, còn yếu kém. Cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị quá chậm và chưa hợp lý. Ô nhiễm không khí do bụi và khí thải, tiếng ồn ngày càng tăng…

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc giải quyết có kết quả những vấn đề đặt ra với những mục tiêu to lớn, làm cho môi trường nghìn năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội mãi tươi đẹp đòi hỏi nhiều nguồn lực, sáng kiến, nhiều hợp tác từ cả cộng đồng. Bên cạnh đó, có ba khuyến nghị ưu tiên của cộng đồng liên quan đến việc bảo vệ môi trường chung của vùng đất lịch sử Hoa Lư-Thăng Long-Hà Nội, gồm bảo tồn đến mức cao nhất hệ sinh thái ao hồ đặc thù của Hà Nội và hệ sinh thái núi đá vôi đặc thù của Ninh Bình; tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động bảo tồn cây di sản Việt Nam ở Hà Nội và Ninh Bình; tiếp theo đó là hãy cứu lấy các dòng sông Nhuệ, sông Đáy phục vụ dân sinh, kinh tế và bảo tồn di tích lịch sử...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thách thức đối phó với ô nhiễm môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.