(HNM) - Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa công bố Giải thưởng Âm nhạc năm 2009 ở ba thể loại: thanh nhạc, khí nhạc và lý luận. Giải thưởng thường niên của Hội được coi là giải thưởng âm nhạc uy tín bậc nhất và phần nào phản ánh bộ mặt đời sống âm nhạc trong năm.
Nhiều ca khúc viết về Thăng Long - Hà Nội
Có 5 giải nhất và hơn 60 giải nhì, ba, khuyến khích ở các thể loại. Mặc dù hạng mục ca khúc thiếu nhi, giao hưởng với hợp xướng, hợp xướng, hòa tấu dân tộc, thính phòng đều không tìm ra tác phẩm để trao giải nhất nhưng hạng mục ca khúc tiếp tục “được mùa” với 3 tác phẩm đoạt giải nhất: Dời đô ngàn năm (Nguyễn Tiến) giành giải nhất ca khúc (phổ thông), Giấc mơ mùa lá (Trần Mạnh Hùng) và Dòng trăng lúng liếng (Ngô Quốc Tính) đồng đoạt giải nhất ca khúc nghệ thuật. Ngoài ra, có 3 ca khúc đoạt giải nhì, 13 giải ba và 11 giải khuyến khích. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng còn ẵm thêm giải nhất hạng mục giao hưởng với Lệ Chi Viên. Ở mảng sách biên soạn, tư liệu sưu tầm, giải nhất trao cho tác phẩm Ca nhạc Bài Chòi, ca nhạc kịch hát Bài Chòi (Trương Đình Quang).
Thí sinh Nguyễn Ngọc Ký đã thể hiện rất thành công ca khúc “Dời đô ngàn năm” tại đêm chung kết xếp hạng Sao Mai 2009.
Đề tài đa dạng, nhiều tác phẩm phản ánh hơi thở đời sống đương đại. Không chỉ người Hà Nội mà dù ở đâu, các nhạc sĩ đều thể hiện cảm xúc dành cho Thủ đô sắp ngàn năm tuổi và hầu như thể loại nào cũng có những tác phẩm đoạt giải hướng về sự kiện trọng đại này. Hai ca khúc đoạt giải nhất Dời đô ngàn năm và Giấc mơ mùa lá đều viết về Hà Nội. Bên cạnh đó còn có Rùa vàng ngàn năm (thơ Trà Ly, nhạc Vũ Trung - Bình Định), Tâm sự Huyền Trân công chúa (Doãn Nguyên - Hà Nội).
Tác phẩm dự thi năm nay phong phú hơn năm trước về thể loại. Mảng ca khúc, bên cạnh ca khúc phổ thông còn có ca khúc nghệ thuật (romance, hay còn gọi là ca khúc thính phòng). Sáng tác romance phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp (composer), am hiểu nhạc lý, bên cạnh phần lời và nốt nhạc thì còn soạn cả phần đệm. Đáng nói hơn cả, ca khúc nghệ thuật vốn khá hiếm hoi cả ngoài đời sống lẫn ở giải thưởng âm nhạc các năm trước thì năm nay đạt chất lượng vượt trội, với hai tác phẩm đồng giải nhất. Lỡ làng (thơ Hoàng Hữu Ninh, nhạc Nguyễn Viết Bình - giải nhì) cùng 2 tác phẩm đoạt giải ba đều hứa hẹn bổ sung vào danh mục những ca khúc thính phòng hay.
Mảng âm nhạc thiếu nhi khá xôm tụ. Không có giải nhất nhưng có đến 3 giải ba, 3 giải khuyến khích và giải nhì trao cho ca cảnh Bạch Tuyết và 7 chú lùn của tác giả Lê Vinh Phúc (TP Hồ Chí Minh). Khá lâu mới xuất hiện một ca cảnh đoạt giải cao ở thể loại ca khúc thiếu nhi khiến những ai quan tâm đến thể loại này cảm thấy ấm lòng.
Nhìn vào danh sách tác giả đoạt giải, người ta thấy thiếu vắng các “cây đa, cây đề”, điều đó cho thấy lớp trẻ đã đảm đương được trách nhiệm nghệ sĩ với xã hội.
Đưa tác phẩm vào đời sống
Việc đưa những tác phẩm đoạt giải vào đời sống vẫn là nỗi trăn trở khôn nguôi không chỉ của những người trong Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, Hội sẽ tổ chức lễ trao giải và công diễn một số tác phẩm đoạt giải trước Tết Âm lịch. Tuy nhiên, không chờ đến khi tác phẩm đoạt giải hay được Hội tổ chức công bố, bản thân những ca khúc hay đã được ca sĩ lựa chọn và nhất định sẽ có chỗ đứng trong lòng công chúng.
Dời đô ngàn năm vừa được thí sinh Nguyễn Ngọc Ký thể hiện trong đêm chung kết xếp hạng Sao Mai 2009 và trước đó ca khúc này gây được ấn tượng qua sự thể hiện của ca sĩ Mạnh Hùng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Dòng trăng lúng liếng nằm trong vở kịch hát Nàng nhũ hương viết về vị Thủy tổ Quan họ, hứa hẹn là tác phẩm lớn, hoành tráng và nhuốm màu huyền thoại sẽ được dàn dựng nay mai...
Đặc biệt, giao hưởng thơ (poem symphony) Lệ Chi Viên của Trần Mạnh Hùng được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đưa vào album nhân kỷ niệm 50 năm thành lập nhà hát này. Lệ Chi Viên từng dự Lễ hội Âm nhạc Beethoven (Đức) hồi tháng 9 năm nay cùng dàn nhạc giao hưởng trẻ của Học viện Âm nhạc quốc gia dưới sự chỉ huy của nữ nhạc trưởng người Pháp Claire Levacher. Tác phẩm được kênh truyền hình đối ngoại của Đức - Deutsche Welle (DW) “đặt hàng”, viết cho violin và dàn nhạc, với chất liệu âm nhạc dân tộc Việt Nam đặc trưng bay bổng trên nền nhạc cổ điển châu Âu. Tác phẩm dự thi là bản thu âm tại Đức với 12 phút 44 giây với tràng pháo tay của khán giả ở phần cuối dài đến cả phút.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.