(HNMO) - Nhân Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội (BHXH) toàn dân năm 2023, diễn ra từ ngày 1 đến hết ngày 31-5, BHXH Việt Nam cho biết, các cơ quan chức năng cùng cộng đồng chung sức, đồng lòng để mọi người dân có cơ hội, điều kiện tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).
Đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn không thuộc đối tượng được cấp thẻ BHYT, hơn ai hết, họ cần có tấm thẻ BHYT để được chi trả phần lớn chi phí khám, chữa bệnh khi không may bị ốm đau, bệnh tật phải khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, và càng cần có cuốn sổ BHXH để hưởng lương hưu lúc tuổi già.
Tuy nhiên, tự bản thân mỗi người ít có khả năng tạo lập điểm tựa an sinh, nên những sáng kiến, mô hình, chương trình giúp người gặp khó tham gia BHXH, BHYT hình thành ở nhiều ngành, địa phương.
Mô hình phổ biến, được triển khai rộng rãi là tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn do ngành BHXH phát động. Mạnh thường quân của chương trình là lực lượng cán bộ, nhân viên ngành BHXH, mỗi người ủng hộ một ngày lương/năm cùng sự ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tạo thành nguồn lực không nhỏ để mua sổ BHXH, thẻ BHYT tặng người dân, người lao động nghèo vào dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm.
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chương trình đã huy động được hơn 50 tỷ đồng để tặng khoảng 16.000 sổ BHXH và hơn 100.000 thẻ BHYT cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Tại các tỉnh, thành phố, nhiều mô hình, sáng kiến giúp người nghèo tham gia BHXH cũng được áp dụng. Chẳng hạn tại Hà Nội, ngoài các chính sách chung, một số quận, huyện huy động thêm nguồn lực xã hội để hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng “0 đồng”. Nguồn lực hỗ trợ do nhiều tổ chức, đoàn thể cùng huy động.
Tại tỉnh Đắk Lắk, mô hình tặng thẻ BHYT cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đặc biệt chú trọng. Tương tự, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Tây Ninh xây dựng các quỹ mang tên: “Quỹ hỗ trợ hội viên mua BHYT trả góp”, “Góp vốn xoay vòng mua BHYT”, “Tiết kiệm mua BHYT”, tạo điều kiện cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhận thẻ BHYT trước, rồi trả dần số tiền mua thẻ làm nhiều đợt.
Đáng chú ý, mô hình nuôi “heo đất” tiết kiệm tham gia BHXH, BHYT được triển khai tại nhiều địa phương khu vực phía Nam, nổi bật là các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An…
Thông qua các chương trình, mô hình thiết thực, hiệu quả, chính sách BHXH, BHYT ngày càng lan tỏa, thấm sâu vào đời sống, còn các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn rộng mở cơ hội tiếp cận, thụ hưởng các chính sách an sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.