(HNM) - Nếu như quy định về tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của Bộ GD-ĐT năm 2015 không có nhiều khác biệt so với mọi năm thì các trường đại học (ĐH), dựa trên quyền tự chủ theo Luật Giáo dục đại học lại đưa ra nhiều tiêu chí riêng để thu hút người giỏi, nâng cao chất lượng đầu vào.
Rộng cửa với thí sinh trường chuyên
Với cơ chế đặc thù trong đào tạo liên thông bậc THPT chuyên và đào tạo ĐH, ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐH QGHN) mới đây đã công bố chỉ tiêu xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của các trường, khoa thành viên. Theo đó, các đơn vị này đều xét tuyển khoảng 3% tổng chỉ tiêu những thí sinh là học sinh (HS) THPT chuyên đã tốt nghiệp THPT, đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn HS giỏi bậc THPT cấp ĐH QGHN và thí sinh đạt danh hiệu HS giỏi từng năm học trong cả 3 năm THPT, có hạnh kiểm 3 năm THPT đạt loại tốt. Trường ĐH Kinh tế dành 5% chỉ tiêu tuyển thẳng cho đối tượng HS chuyên thuộc hệ thống của ĐH QGHN đáp ứng quy định của Bộ GD-ĐT. Trường ĐH Công nghệ không giới hạn chỉ tiêu, ĐH KHTN dành khoảng 30% tổng chỉ tiêu, Trường ĐH Giáo dục dành 10% chỉ tiêu, khoa Y - Dược dành 5% chỉ tiêu để tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển các thí sinh theo quy chế của Bộ GD-ĐT.
Các thí sinh cần lưu ý các quy định riêng của các trường đại học để tận dụng cơ hội và tránh bỡ ngỡ trước những thay đổi. Ảnh: Viết Thành |
Không chỉ ưu tiên HS chuyên của các trường thành viên, ĐH QGHN còn phân bố chỉ tiêu tuyển thẳng HS một số trường THPT chuyên ở bên ngoài. Các thí sinh này cần đáp ứng một trong các điều kiện: Đạt giải chính thức trong các kỳ thi Olympic hoặc các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật khu vực, quốc tế; là thành viên chính thức đội tuyển dự thi Olympic hoặc các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật khu vực, quốc tế; đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn HS giỏi bậc THPT cấp ĐH QGHN; đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia hoặc các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải chính thức trong kỳ thi Olympic chuyên khoa học tự nhiên bậc THPT; là thành viên chính thức của đội tuyển tham dự kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia hoặc các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt danh hiệu HS giỏi từng năm học trong cả 3 năm THPT.
Nhiều trường ĐH khác cũng đã đưa ra tiêu chí tuyển thẳng riêng bên cạnh các quy định chung theo quy chế tuyển sinh của Bộ. Học viện Tài chính và Trường ĐH Kinh tế quốc dân đều tuyển thẳng đối với thí sinh có 3 môn thi THPT quốc gia đạt 27 điểm trở lên không tính điểm ưu tiên, trong đó có môn toán và 2 môn bất kỳ.
Trường y - dược không "mặn mà" giải nhì, ba HS giỏi quốc gia
Năm 2015, hai trường khối y - dược thường có điểm đầu vào cao nhất cả nước, đều cho biết sẽ có sự thay đổi trong tiêu chí tuyển thẳng với ngành y đa khoa, vốn là đích hướng tới của phần lớn thí sinh thuộc diện tuyển thẳng.
Được biết, chỉ tiêu ngành y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội năm 2015 là 500. Năm 2014, Trường có 550 chỉ tiêu nhưng số hồ sơ xin tuyển thẳng của giải nhì, ba môn sinh lên tới 127. Khi thi, có 10 thí sinh trong số này không vượt qua điểm sàn chung, khoảng 5 điểm/môn. Trong khi đó, các thí sinh dự thi bình thường đạt 27 điểm, tức 9 điểm/môn, vẫn có thể trượt ĐH. Để nâng cao chất lượng đầu vào và đỡ thiệt thòi cho thí sinh dự thi, gần đây Trường chỉ tuyển thẳng thí sinh đạt giải nhất quốc gia môn sinh. Các năm trước, thí sinh đạt giải nhì, ba môn sinh được xét tuyển nếu thi vượt qua điểm sàn chung. Tuy nhiên, năm nay, ngưỡng này có thể được nhà trường đặt ra cao hơn, dự kiến là 21 điểm, bởi kỳ thi 2015 vừa nhằm mục đích xét tốt nghiệp vừa để tuyển vào ĐH, CĐ. Một phương án khác là các thí sinh đạt giải nhì, giải ba năm nay sẽ được cộng điểm khi xét tuyển. Bên cạnh đó, để thu hút thí sinh giỏi, Trường ĐH Y Hà Nội đang đề xuất với Bộ GD-ĐT để tuyển thẳng thí sinh đạt giải nhất môn lý, hóa quốc gia.
Năm nay, Trường ĐH Y - Dược TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến sẽ chỉ tuyển thẳng HS đạt giải nhất môn sinh học. Các thí sinh đạt giải nhì, giải ba năm nay chỉ được vào thẳng ngành y học cổ truyền, y tế dự phòng chứ không được vào thẳng cả y đa khoa như các năm trước. Nếu thí sinh đạt giải không dùng quyền tuyển thẳng mà muốn vào ngành này, thì phải dự thi và được cộng từ 1 đến 3 điểm tùy giải.
Có một số ý kiến cho rằng, những hạn chế mà các trường khối y - dược đặt ra là không phù hợp với quy định của Quy chế tuyển sinh: "Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia đã tốt nghiệp trung học, được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải". Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, Quy chế tuyển sinh cũng có nêu: Các trường "căn cứ hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT, quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành học". Điều này có thể được hiểu là thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba HS giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào các ngành học theo quy định của Bộ, nhưng các trường ĐH, dựa trên quyền tự chủ của mình, có quyền quy định thí sinh được giải nào được tuyển thẳng vào ngành nào.
Hiện, quy định về ngưỡng điểm sàn vào trường hay điểm ưu tiên với các thí sinh đạt giải HS giỏi quốc gia vẫn đang được các trường xem xét và sẽ sớm công bố cho thí sinh được rõ. Để không bị bất ngờ trước những thay đổi của mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh cần theo sát những thông tin cụ thể của mỗi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.