(HNM) - Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ cổ phần hóa 16 doanh nghiệp (DN), thoái vốn tại 96 DN nhà nước, trong đó có nhiều “ông lớn” có số vốn tới hàng nghìn tỷ đồng. Để thực hiện thành công kế hoạch này không chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, mà còn cần sự minh bạch, công khai và chủ động của chính DN.
Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - Hapro là một trong các doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua hàng tại hệ thống siêu thị Hapromart.Ảnh: Huyền Linh |
Tổng tài sản trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Xuân Sáng, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính DN, Sở Tài chính Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã có kế hoạch cổ phần hóa 16 DN, gồm 5 tổng công ty, 4 công ty mẹ và 7 công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND thành phố. Những cái tên lớn được nhắc đến là các Tổng công ty: Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC, Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - Handico, Vận tải Hà Nội - Transerco, Thương mại Hà Nội - Hapro và Du lịch Hà Nội. Các công ty mẹ là Công ty TNHH MTV có: Chiếu sáng và Thiết bị đô thị, Nước sạch Hà Nội, Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Môi trường đô thị Hà Nội...
Ông Nguyễn Xuân Sáng cho biết, trong số 16 DN cổ phần hóa, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội có số vốn chủ sở hữu lớn nhất, khoảng 4.000 tỷ đồng, tính đến thời điểm cuối năm 2015. Trong khi đó, UDIC cũng có số vốn chủ sở hữu khoảng 2.718 tỷ đồng, Tổng công ty Handico có hơn 2.000 tỷ đồng, Tổng công ty Hapro có 1.372 tỷ đồng… Vì vậy, ngoài nguyên tắc Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần chi phối tại lĩnh vực cần thiết, huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng sức cạnh tranh… thì nguyên tắc công khai, minh bạch tình hình tài chính, tỷ lệ cổ phần để tạo niềm tin cho nhà đầu tư cũng rất quan trọng. “Về lộ trình, trong số 16 DN thực hiện cổ phần hóa, Hapro và Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội đang triển khai các quy trình thủ tục” - ông Nguyễn Xuân Sáng nói.
Ngoài DN cổ phần hóa, thành phố có kế hoạch thoái vốn tại 96 DN, với giá trị vốn theo sổ sách là 3.583 tỷ đồng. Trong đó, có 66 DN có vốn nhà nước thuộc các tổng công ty, công ty mẹ - công ty con và các DN độc lập 100% vốn nhà nước, 30 DN có vốn nhà nước độc lập thuộc UBND thành phố. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Sáng thông tin: Giai đoạn 2011-2015, UBND TP Hà Nội đã hoàn thành thoái vốn nhà nước tại 51 DN, tổng giá trị thực hiện theo sổ sách là 780 tỷ đồng nhưng giá trị thực tế bán được lên tới 1.654 tỷ đồng, chênh lệch tăng thêm gấp đôi. Không có DN thoái vốn dưới mệnh giá, kết quả thu được có thặng dư.
Đối với DN cổ phần hóa, ngoài Tổng công ty Hapro và Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội đang thực hiện cổ phần hóa, 14 DN còn lại chủ động công tác chuẩn bị; căn cứ thực tế từng DN, Sở Tài chính báo cáo UBND thành phố chỉ đạo triển khai. Đối với DN thoái vốn nhà nước, trên cơ sở đề xuất của DN trong năm 2016, Tổ đại diện vốn nhà nước chủ động triển khai, Chi cục Tài chính DN đôn đốc, bảo đảm đúng quy trình, tiến độ kế hoạch. |
Doanh nghiệp cũng phải chủ động
Mặc dù việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước giai đoạn 2011-2015 được đánh giá hiệu quả, song vẫn còn một số DN tồn tại phải chuyển tiếp sang giai đoạn 2016-2020.
Điển hình là Công ty TNHH MTV Haprosimex, từ năm 2009 kinh doanh khó khăn, thua lỗ kéo dài, mất hết vốn nhà nước, không có nguồn trả nợ ngân hàng. Lỗ lũy kế của DN này đến ngày 31-12-2015 là 502 tỷ đồng. Đối với những DN này, thành phố chủ trương tái cơ cấu theo quy định, sau đó mới thực hiện cổ phần hóa. Tương tự, sẽ phá sản Công ty Kỹ thuật Điện Thông, Công ty Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội (sau khi chuyển giao Công viên Tuổi trẻ Thủ đô cho Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội).
Ông Hà Minh Hải, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, DN nhà nước cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020 có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, số lượng lao động đông nên UBND thành phố yêu cầu công tác chỉ đạo và triển khai phải đúng quy trình, quy định, đồng thời bám sát, giải quyết kịp thời những tồn tại, vướng mắc phát sinh. Người lao động có cổ phần được tạo điều kiện để thực sự làm chủ DN, qua đó tạo động lực thúc đẩy kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Thực tế, việc bảo đảm sự ổn định cho DN và người lao động cũng là băn khoăn của nhiều DN. Giải đáp điều này, ông Nguyễn Xuân Sáng cho biết, trong quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DN nhà nước giai đoạn vừa qua, các chính sách trợ cấp, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nghề cho người lao động, hỗ trợ lao động dôi dư được thực hiện đầy đủ, giúp DN cổ phần hóa và người lao động yên tâm, bảo đảm được ổn định xã hội.
Ông Hà Minh Hải thông tin thêm: Cổ phần hóa DN sẽ theo lộ trình phù hợp với khả năng hấp thụ nguồn vốn của thị trường, để bảo đảm sự ổn định cho DN. Ngược lại, DN cần chủ động trong công tác chuẩn bị, tập trung xử lý tồn tại về tài chính, đất đai; tuyên truyền, giải thích rõ để người lao động có cổ phần tại DN hiểu đây là điều kiện, cơ hội tham gia làm chủ DN. “Việc cổ phần hóa, thoái vốn không thể thành công nếu chỉ nhờ vào "vai" của cơ quan chức năng mà không có sự chủ động của DN” - ông Hà Minh Hải nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.