Tài chính

Nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiền gửi:Liệu lãi suất cho vay có tăng?

Tiến sĩ Phan Văn Thường 10/07/2024 - 07:02

Từ tháng 4 đến tháng 6-2024, các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi. Mặc dù trên thực tế mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đứng yên, nhưng với hiệu ứng domino, dự báo lãi suất huy động tăng sẽ tạo cớ để một số ngân hàng tăng lãi suất cho vay.

Khi lãi suất tiền gửi tăng, doanh nghiệp và người dân sẽ rơi vào tâm thế kép, có khi đối nghịch. Người có nhu cầu gửi tiền ngân hàng sẽ vui hơn trong khi người có nhu cầu vay ngân hàng lại lo lắng bởi mức lãi phải trả sẽ cao hơn.

tien-lai.jpg
Tư vấn lãi suất cho khách hàng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Ảnh: Đỗ Tâm

­Tại sao hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi?

Việc các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi manh nha xuất hiện từ cuối tháng 3-2024, sau 2 tháng đầu năm 2024 sụt giảm. Theo khảo sát, trong tháng 4-2024, có 15 ngân hàng công bố tăng lãi suất tiền gửi. Con số này trong tháng 5 và 6-2024 tương ứng là 18 và 23 ngân hàng. Như vậy, ngày càng có nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn.

Việc tăng lãi suất tiền gửi được các ngân hàng áp dụng hầu hết cho các kỳ hạn. So với cuối năm 2023, đến cuối tháng 6-2024, mức lãi suất tiền gửi tăng bình quân 0,4%-0,6%/năm với khối ngân hàng tư nhân và 0,2%-0,3%/năm với khối ngân hàng có vốn nhà nước. Điều đáng lưu ý, trong khi lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng tăng đáng kể, lãi suất cho vay chưa có tín hiệu tăng theo.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 26-6, tín dụng vào nền kinh tế tăng 4,45% so với cuối năm 2023. Tăng trưởng tín dụng chậm nhưng tại sao các ngân hàng vẫn đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi? Trong khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2024 khá ổn định, hụt thanh khoản chỉ cá biệt. Có nghĩa, việc điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi không phải từ lý do giải quyết cân bằng thanh khoản, mà bởi các lý do khác.

Lý do thứ nhất, tỷ giá USD/VND tăng mạnh và kéo dài, thị trường vàng bùng nổ, dường như đang là tác nhân âm thầm chuyển hướng dòng tiền gửi sang kênh an toàn hơn. Bằng chứng, theo Tổng cục Thống kê, huy động vốn 6 tháng đầu năm 2024 tăng 1,5% so với cuối năm 2023, là mức thấp nhất trong nhiều năm. Bối cảnh này dẫn đến động thái các ngân hàng tư nhân công bố tăng lãi suất tiền gửi nhằm níu giữ thị phần huy động vốn.

Thứ hai, tăng lãi suất tiền gửi tức lãi suất đầu vào tăng, nhưng các ngân hàng vẫn duy trì lãi suất cho vay hiện tại. Cùng với đó, từng ngân hàng vẫn duy trì khả năng lợi nhuận do mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện tại đang quá thấp, thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19 năm 2021.

Thứ ba, 6 tháng đầu năm 2024, ước tính Ngân hàng Nhà nước đã bán USD để can thiệp tỷ giá. Một số ngân hàng có nguồn vốn ứ đọng khá lớn đã sử dụng đầu tư vào ngoại tệ. Để chủ động nguồn vốn đáp ứng tăng trưởng tín dụng từ quý III-2024, đương nhiên các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trong phạm vi cho phép.

Thứ tư, lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) của Ngân hàng Nhà nước được đẩy lên từ 4,25%-4,5% (kỳ hạn 7 ngày), được hiểu là chi phí huy động vốn của các ngân hàng phải tăng tương ứng, hoặc với mức cao hơn. Cho nên, việc tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng như là hiệu ứng đương nhiên.

Chưa xuất hiện "hiệu ứng domino"

Trong các kỳ hạn tiền gửi hiện hành, các ngân hàng chỉ công bố lãi suất tiền gửi 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng và 24 tháng.

Cập nhật mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng công bố ngày 2-7 của 28 ngân hàng cho thấy, dao động từ 1,9% (Vietcombank, Agribank), 2% (VietinBank), 2,3% (BIDV), 2,5% (các ngân hàng còn lại) đến 4% (ABBank). So với mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa mà Ngân hàng Nhà nước quy định là 4,75%, 4 ngân hàng nhà nước chi phối vốn còn dư địa tăng từ 2,45% đến 2,85%; trong khi 24 ngân hàng khác có dư địa tăng 0,75% đến 2,25%. Như vậy, dư địa cho phép các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng còn hết sức dồi dào.

Đối với các loại tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất điều hành. Từng ngân hàng tự tính toán, công bố mức tăng lãi suất khi thấy cần thiết. Nguyên tắc là việc tăng mức lãi suất tiền gửi phù hợp cân đối đầu vào nguồn vốn, đầu ra tín dụng và tỷ lệ NIM (thu nhập lãi thuần/tài sản sinh lời bình quân) ổn định.

Từ những phân tích trên cho thấy, có 3 lý do cắt nghĩa việc các ngân hàng đồng loạt công bố tăng lãi suất tiền gửi nhưng chưa xuất hiện "hiệu ứng domino", tức chưa kéo theo tăng lãi suất cho vay.

Thứ nhất, do mặt bằng lãi suất tiền gửi đang ở mức rất thấp, nên ngân hàng vẫn duy trì được tỷ lệ NIM khá ổn định, vì vậy chưa cần thiết tăng lãi suất cho vay. Thứ hai, dù dự báo tín dụng tăng trưởng mạnh hơn từ cuối quý II-2024 nhưng các ngân hàng còn phải bảo đảm chất lượng tín dụng. Lãi suất vẫn là công cụ được các ngân hàng sử dụng trong cạnh tranh ổn định thị phần tín dụng. Thứ ba, các ngân hàng đang thực hiện chủ trương của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về tiết kiệm chi phí tối đa, cố gắng giảm 1%-2% lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.

Việc các ngân hàng không tăng lãi suất cho vay được hiểu là ràng buộc tình thế, có tính tạm thời. Bởi vì mỗi ngân hàng đều có mục tiêu lợi nhuận cao, đồng nghĩa ngân hàng luôn có tâm lý tăng lãi suất cho vay khi lãi suất huy động vốn tăng.

Cái cớ để các ngân hàng tăng lãi suất cho vay theo lãi suất tiền gửi là khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tối đa. Cho nên có hay không "hiệu ứng domino" phụ thuộc nhiều vào động thái của Ngân hàng Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiền gửi: Liệu lãi suất cho vay có tăng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.