(HNMO) – Triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới CES những năm qua cũng trở thành sân chơi thường niên của các nhà sản xuất ô tô, cho phép họ trình diễn những tiện ích công nghệ cũng như các mẫu xe ý tưởng táo bạo và mới nhất.
1. Mercedes-Benz Vision AVTR có thể nắm bắt cảm xúc của người dùng
Hãng xe Đức đã chọn triển lãm năm nay để giới thiệu mẫu xe ý tưởng với thiết kế dựa trên bộ phim Avatar của đạo diễn James Cameroon. Mang tên gọi Sự chuyển đổi phương tiện tiên tiến (Vision AVTR: Advanced Vehicle Transformation), chiếc xe thể hiện các công nghệ mới mà Mercedes-Benz sẽ ứng dụng trên ô tô trong thời gian tới, đặc biệt là khả năng tương tác giữa xe với con người thông qua trí tuệ nhân tạo.
Vision AVTR có thể cảm nhận hàng loạt chỉ số sinh học của người ngồi trong xe, bao gồm cả nhịp tim và hơi thở. Nhờ thế, toàn bộ các tiện ích của xe đều có sự gắn kết và phản ứng phù hợp với trạng thái và cảm xúc người dùng một cách hết sức tinh tế dựa trên các chỉ số sinh học cụ thể. Xe cũng có các cơ chế biểu hiện cảm xúc khá độc đáo nhằm thể hiện “quan điểm” riêng trong các tình huống gặp phải.
2. BMW i3 Urban Suite muốn trở thành xe “Grab” hạng sang
Mẫu xe này được phát triển từ xe điện BMW i3 với mong muốn tạo ra không gian di chuyển đẳng cấp limousine cho cá nhân trong các môi trường đô thị hiện đại. Hãng ô tô Đức đã loại bỏ ghế trước (cho phép người ngồi sau duỗi chân thoải mái); thay ghế sau bên lái bằng bàn gỗ tiện ích với đèn đứng); đồng thời bổ sung màn hình cỡ lớn cho phép cung cấp các nội dung giải trí.
Ngoài các thay đổi về “phần cứng”, i3 Urban Suite Concept cũng đi kèm hệ thống phần mềm có thể giúp cung cấp các dịch vụ gọi xe tương tự như Uber hay Grab, đồng thời sở hữu kết nối 5G mạnh mẽ.
3. Honda Augmented Driving Concept
Augmented Driving Concept có tới 8 chế độ lái khác nhau, cho phép tài xế lựa chọn nhiều cấp độ giữa việc tự tay điều khiển hoặc để phần mềm vận hành chiếc xe tự động hoàn toàn. Hệ thống cảm biến tích hợp cũng cho phép xe tự quyết định xử lý trong nhiều tình huống trên đường, tùy thuộc vào hành vi và trạng thái của người cầm lái.
Về thiết kế, xe vẫn có vô lăng theo kiểu truyền thống, nhưng được bổ sung nhiều chức năng điều khiển bằng hành vi (ví dụ như chạm nhẹ vào vô lăng hai lần để nổ máy, đẩy hoặc kéo vô lăng để tiến và lùi xe).
4. Nissan Arya Concept loại bỏ hoàn toàn nút bấm truyền thống
Nhìn từ bên ngoài, xe điện Arya không khác nhiều một chiếc crossover truyền thống, dù sở hữu các đường nét thiết kế hiện đại mà Nissan cho biết sẽ trở thành nét đặc trưng của các dòng xe trong tương lai. Những điểm nhất chính của mẫu xe ý tưởng này chủ yếu nằm trong khoang lái, với thiết kế tối giản hầu như không có các nút bấm và núm xoay truyền thống. Nút bấm duy nhất trên xe là nút khởi động máy. Để tương tác, người dùng có thể sử dụng cơ chế điều khiển chạm với phản hồi xúc giác với các biểu tượng chức năng phát sáng và màn hình 12,3 inch.
Đáng chú ý, sự hiện diện của hệ thống hỗ trợ Nissan ProPILOT 2.0 cho phép Arya tự hành tốt hơn trên đường quốc lộ. Khi kích hoạt, hệ thống này sẽ hỗ trợ tài xế cả trong các tình huống “mạo hiểm” như vượt xe, chuyển làn hoặc rời cao tốc.
5. Fiat Concept Centoventi cho phép người thoải mái chọn kết cấu và tính năng
Mẫu ý tưởng mới được Fiat mang tới triển lãm lần này hướng tới việc cho phép người dùng cá nhân hóa chiếc xe tối đa. Khi xuất xưởng, Centoventi chỉ được sơn một màu, nhưng có thể biến hóa đa dạng nhờ việc thay thế tấm trần, cản trước-sau, ốp bánh xe, phủ vinyl nhiều bộ phận. Bên trong, nội thất xe cũng được thiết kế theo dạng module, cho phép tháo lắp đủ loại phụ kiện theo sở thích của chủ nhân. Ngay cả pin xe cũng có thể tùy biến, từ loại cho phép chạy 100km/lần sạc, cho tới loại với hành trình 500km/lần sạc.
Một tính năng độc đáo của Centoventi là hai màn hình xoay ra phía ngoài (một ở kính lái và một ở nắp cốp sau) cho phép truyền các thông điệp theo ý người ngồi trong xe. Đây là tính năng hữu dụng nếu Centoventi được sử dụng cho các dịch vụ gọi xe.
6. Xe taxi bay Hyundai S-A1 Urban Air Mobility
Để tạo ra chiếc taxi bay, Hyundai đã hợp tác với Uber trong việc phát triển và mang kết quả bước đầu tới CES 2020. Là một phần trong dịch vụ di chuyển đường không Elevate mà Uber đang theo đuổi, chiếc ô tô bay S-A1 có thể vận chuyển 5 người (gồm cả phi công) nhờ bốn mô tơ cánh quạt điện cho phép cất cánh thẳng đứng.
Chiếc xe bay được trang bị nhiều tính năng an toàn, ví dụ như cơ chế dự phòng mô tơ đề phòng tình huống một mô tơ lỗi sẽ không khiến S-A1 rơi xuống đất. Xe cũng có dù có thể bung ra trong các tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống mô tơ điện của xe được thiết kế với tốc độ quay chậm hơn cánh quạt trực thăng nhằm đảm bảo tiếng ồn tối thiểu trong môi trường đô thị. Hyundai cho biết, S-A1 có thể được sản xuất hàng loạt và đưa vào sử dụng ngay từ năm 2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.