Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều lợi ích từ Cổng dịch vụ công quốc gia

Hải Hà| 29/05/2020 07:09

(HNM) - Được khai trương từ ngày 9-12-2019, đến nay Cổng dịch vụ công quốc gia đã có những kết quả thể hiện là kênh hữu hiệu nhất để thực hiện mục tiêu Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Song theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Cổng dịch vụ công quốc gia có rất nhiều lợi ích mà người dân, doanh nghiệp cần tận dụng hơn nữa.

Việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia góp phần bảo đảm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Với mốc khởi đầu ngày khai trương chỉ có 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp, đến nay, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp hàng trăm dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 235 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 5-2020, có hơn 140.000 tài khoản đăng ký, hơn 68.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống cũng tiếp nhận hơn 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Một số nhóm thủ tục hành chính có tần suất thực hiện lớn là đăng ký hoặc thông báo khuyến mãi của doanh nghiệp; xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông; một số thủ tục mảng bảo hiểm, thuế.

Chia sẻ về trải nghiệm của người dùng, bà Vũ Thị Tuyến, Phó Trưởng ban Nghiên cứu thị trường và phát triển dịch vụ, Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT - Vinaphone cho biết, khi sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia để đăng ký các chương trình khuyến mãi chỉ cần qua 3 bước đơn giản là đăng ký cấp chữ ký số, truy cập website: dichvucong.gov.vn và khai báo thông tin khuyến mãi là đã tiết kiệm được thời gian, nguồn lực tài chính không nhỏ. Ngoài ra, doanh nghiệp được phản hồi qua thư điện tử và còn được các cơ quan có thẩm quyền theo dõi, giám sát, hỗ trợ trong việc nộp tiền, tiếp nhận, xử lý hồ sơ. "Trong 1 năm chúng tôi thực hiện khoảng 300 chương trình khuyến mãi thì tiết kiệm được 200 triệu đồng", bà Tuyến cho hay.

Bên cạnh thủ tục thông báo hoạt động khuyến mãi, ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, chỉ với 1 tài khoản đăng nhập trên Cổng dịch vụ công quốc gia, doanh nghiệp có thể thực hiện nhiều dịch vụ liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, không ít đơn vị còn gửi thông tin đề nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên ứng dụng này nên Bảo hiểm xã hội Việt Nam có cơ sở tiếp thu, tương tác rất kịp thời.

Với người dân, 3 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố như đổi giấy phép lái xe; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế bị mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp, trung áp cũng đang được nhiều gia đình hồ hởi đón nhận. Anh Nguyễn Thi Tuấn (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) đã trực tiếp đăng ký thủ tục cung cấp điện trung áp qua ứng dụng này chia sẻ, chỉ trong ít phút, anh đã đăng ký xong và nhận được thông báo của cơ quan chức năng xác nhận đã hoàn thành thủ tục.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dù số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tăng, song tỷ lệ mở tài khoản của doanh nghiệp chưa nhiều. Để tăng cường sự tham gia của nhóm này trong sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ sẽ tăng cường tuyên truyền để lan tỏa những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, giá trị của Cổng dịch vụ công quốc gia đã được chứng minh trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Với các biện pháp giãn cách xã hội được đưa ra nhằm ngăn chặn lây nhiễm, người dân và đặc biệt là doanh nghiệp, cán bộ cơ quan nhà nước ngày càng sử dụng nhiều các dịch vụ công thiết yếu bằng phương thức trực tuyến.

Ông Ousmane Dione cũng đề xuất 2 biện pháp hành động, một cho cộng đồng doanh nghiệp và một cho Chính phủ, để tăng cường tác động của chính sách đổi mới kỹ thuật số trong thời gian sắp tới. Đó là, cộng đồng doanh nghiệp cần đẩy mạnh quá trình số hóa. Về phía Chính phủ, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến nên bắt đầu từ việc đơn giản hóa các quy trình. Bởi, dù có nhiều dịch vụ được cung cấp trực tuyến mà không giúp làm giảm thời gian và chi phí giao dịch cho doanh nghiệp thì cũng không mang lại nhiều ý nghĩa đối với doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều lợi ích từ Cổng dịch vụ công quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.