(HNM) - Nhiều hồ đập thủy lợi trên địa bàn Hà Nội hiện ít được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đặc biệt là công tác quản lý, vận hành có nhiều
Về vấn đề này, PV Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Nguyễn Vĩnh Liên.
- Xin ông cho biết thực trạng và công tác quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi ở Hà Nội?
- Thành phố hiện có 130 hồ chứa, trong đó 15 hồ chứa có dung tích trên 1 triệu mét khối. Hằng năm, các hồ chứa này làm nhiệm vụ cấp nước tưới cho 18.000ha đất sản xuất nông nghiệp, cắt lũ và tạo cảnh quan môi trường, phát triển kinh tế - xã hội. Các hồ chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960-1970. Thời gian gần đây, một số hồ chứa thủy lợi có dung tích trên 2 triệu mét khối được Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội đầu tư cải tạo, nâng cấp, còn lại phần lớn đã nhiều năm khai thác, sử dụng, một số hạng mục như đập đất, đập tràn, cống lấy nước đã bị sạt, sụt lở, bị lấn chiếm hoặc xuống cấp nghiêm trọng...
Bờ hồ Suối Hai (Ba Vì) có nhiều đoạn bị xói lở. Ảnh: Bá Hoạt |
Các hồ chứa do doanh nghiệp thủy lợi quản lý được vận hành tương đối bài bản và đúng quy định, nhưng khó khăn là hệ thống hồ chứa thủy lợi này xây dựng từ lâu, không có đầy đủ tài liệu thiết kế, chưa có hệ thống quan trắc; công trình xuống cấp ít được đầu tư, sửa chữa. Đánh giá chung, đa số hồ chưa có quy trình vận hành, chưa thực hiện công tác kiểm định an toàn đập và lập phương án bảo đảm an toàn cho hạ du. Đội ngũ cán bộ, công nhân vận hành hồ chứa do các huyện, thị xã quản lý thường không được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc...
- Hệ thống hồ chứa trên địa bàn Hà Nội rất lớn nhưng số hồ do các doanh nghiệp thủy lợi quản lý lại rất ít. Vậy số hồ còn lại được quản lý và sử dụng như thế nào?
- Hiện thành phố đang giao cho 3 doanh nghiệp thủy lợi quản lý, vận hành 18 hồ chứa lớn trong tổng số 130 hồ chứa lớn, nhỏ. Số hồ còn lại do UBND các huyện, thị xã quản lý, hiện vẫn đang phục vụ sản xuất và làm công tác điều tiết nước. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng số hồ này chưa cao, chưa thường xuyên được kiểm tra, đánh giá về mức độ an toàn và luôn xảy ra vi phạm.
Thành phố Hà Nội đang thực hiện phân cấp quản lý công trình thủy lợi theo Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND, trong đó các hồ chứa có dung tích từ 500.000m3 trở lên sẽ giao cho doanh nghiệp thủy lợi quản lý, vận hành; các hồ có dung tích dưới 500.000m3 sẽ giao cho các huyện, thị xã quản lý, vận hành. Đối với số hồ do doanh nghiệp thủy lợi quản lý, việc vận hành sẽ được thực hiện đầy đủ và bài bản hơn. Các hồ do cấp huyện, thị xã quản lý, Chi cục Thủy lợi sẽ tham mưu, đề xuất với thành phố tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý, vận hành hồ chứa cho đội ngũ cán bộ, công nhân dưới cơ sở. Còn về lâu dài, để bảo đảm an toàn cho hệ thống hồ chứa, cần tập trung thực hiện kiểm định an toàn đập đối với hồ chứa; xây dựng kế hoạch, báo cáo Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội từng bước cải tạo, nâng cấp hồ chứa, đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt, bão và sản xuất nông nghiệp.
- Cần có giải pháp quản lý như thế nào cho phù hợp với hiện trạng và đạt được hiệu quả cao nhất, thưa ông?
- Giai đoạn trước năm 2013, từ nguồn vốn của Bộ NN&PTNT và ngân sách thành phố đầu tư khoảng 310 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp một số hồ chứa bị hư hỏng nặng. Trong giai đoạn từ 2013-2015, UBND thành phố dự kiến đầu tư khoảng 320 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp tiếp những hồ khác để phục vụ sản xuất và chống lấn chiếm. Ngoài ra, hằng năm, các hồ chứa cũng được duy trì, sửa chữa bằng nguồn kinh phí sự nghiệp. Song do nguồn vốn đầu tư hạn chế nên chỉ tập trung xử lý những hồ hư hỏng nặng và xung yếu, đe dọa đến an toàn công trình như sửa chữa cống lấy nước, gia cố mái đập, cánh phai...
Để quản lý hệ thống hồ chứa đạt hiệu quả cao nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các chủ hồ đập trên địa bàn thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn hồ đập; thực hiện duy tu, bảo dưỡng, chống xuống cấp công trình. Các công ty thủy lợi và các huyện được giao quản lý thường xuyên tổ chức kiểm tra công trình hồ đập trong mùa mưa lũ, phát hiện sớm những ẩn họa có nguy cơ gây mất an toàn để xử lý kịp thời, tránh xảy ra sự cố vỡ đập... Thành phố cần sớm tiến hành cắm mốc giới phạm vi bảo vệ công trình hồ đập; đồng thời, tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân quản lý hồ chứa; hoàn chỉnh xây dựng quy trình vận hành hồ chứa; tăng cường kiểm tra, thanh tra an toàn hồ đập của từng địa phương, đơn vị; kiên quyết không đưa vào vận hành các hồ không đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, các chủ hồ phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở xử lý dứt điểm các vi phạm mới phát sinh và từng bước giải tỏa vi phạm cũ.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.