(HNM) - Với việc làm chủ các công nghệ nền như công nghệ nano sinh học, công nghệ gen, chuyển gen... các nhà khoa học Việt Nam có thể tự tin, chủ động giải những bài toán khó hơn có sự tham gia của công nghệ sinh học (CHSH) trong tương lai.
Tập trung vào nghiên cứu ứng dụng
Trước đây, công nghệ tái tổ hợp ADN, cảm biến nano sinh học, tế bào gốc tự thân là khái niệm rất xa vời, thì nay những kỹ thuật, công nghệ này đã được các nhà khoa học Việt Nam làm chủ. Thậm chí, có nhiều ứng dụng trong cuộc sống xuất phát từ những nghiên cứu mang tầm quốc tế này. Đây là thành quả từ chương trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH giai đoạn 2006-2010 (KC.04/06-10).
Công nghệ sinh học hiện nay được ứng dụng rất nhiều vào việc điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Hữu Oai
Theo Ban chủ nhiệm chương trình KC.04/06-10, các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ các quy trình sử dụng tế bào gốc tự thân để điều trị cho bệnh nhân suy tim nặng sau nhồi máu cơ tim, bệnh nhân ung thư máu, bong giác mạc. Từ năm 2007 đến nay, nước ta đã thực hiện cấy ghép tế bào gốc tự thân cho 6 bệnh nhân, ghép tấm biểu mô giác mạc người nuôi cấy cho hai bệnh nhân bong giác mạc. Sử dụng các kỹ thuật mới của CNSH trong công tác phòng chống ma túy cũng đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của các nhà khoa học trong nước. Cụ thể: PGS-TS Hoàng Mạnh Hùng (Viện CNSH) đã thành công trong việc nghiên cứu, sản xuất các que thử về ma túy, các bảng màu quy định quy trình truy nguyên, giúp lực lượng công an, biên phòng, hải quan… có cơ sở pháp lý trong quá trình điều tra, góp phần không nhỏ vào việc phòng chống buôn bán và sản xuất ma túy. Mặt khác, nhờ làm chủ công nghệ, sản phẩm này còn thay thế các sản phẩm nhập ngoại cùng loại với giá thành rẻ hơn.
Ứng dụng tiến bộ mới của CNSH thế giới, các nhà khoa học thuộc Viện Kỹ thuật Hóa sinh và Tài liệu nghiệp vụ (Bộ Công an) cũng đã thành công trong việc sản xuất các bộ KIT ADN, sử dụng trong lĩnh vực hình sự góp phần ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm nguy hiểm. Sản phẩm đã được ứng dụng tại các cơ quan công an của Hải Phòng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Nội...
Nhiều bài toán đang cần lời giải
GS-TSKH Trần Duy Quý, Ban chủ nhiệm chương trình KC.04/06-10 cho biết, năm 2012, nghiên cứu về CNSH tiếp tục theo hướng ứng dụng và nghiên cứu sâu những công nghệ nền để định hướng ứng dụng trong tương lai. "CNSH của Việt Nam cần tiếp cận để giải quyết những bài toán cụ thể đang đặt ra như công nghệ chuyển gen kháng sâu bệnh, gen chịu mặn, ngập úng vào các cây chủ lực như lúa, ngô, khoai, bông, một số cây rau, quả" - GS Trần Duy Quý nhấn mạnh.
Một hướng nữa cũng cần tiếp cận là nghiên cứu và sử dụng thành thạo công nghệ nano, công nghệ giải mã gen người, giải mã gen một số cây bản địa... làm cơ sở đăng ký bản quyền cây giống của Việt Nam. Bên cạnh đó, ứng dụng CNSH trong nghiên cứu các liệu pháp chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe con người, duy trì giống nòi cũng đặt ra rất bức thiết.
GS Trần Duy Quý cho biết thêm, nếu chúng ta nắm bắt và sử dụng thành thạo công nghệ nền như công nghệ chuyển gen, giải mã gen... của CNSH hiện đại, thì có thể chủ động trong việc giải mã gen của người Việt Nam, mở ra nhiều ứng dụng trong việc chữa bệnh, duy trì, phát triển nòi giống. Kinh nghiệm của các nước phát triển và sự khẳng định của các nhà khoa học nổi tiếng cho rằng, nước nào bảo tồn, duy trì và hiểu biết được tài nguyên di truyền của mình thì nước đó quyết định nền nông nghiệp nhân loại. Polymer sinh học cũng là vấn đề mới ở nước ta. Tuy có một vài công trình khoa học đã công bố nhưng mức độ ứng dụng còn hạn chế. Đây sẽ là khoảng trống trong nghiên cứu và ứng dụng cần các nhà khoa học "lấp" đầy. Ngoài ra, việc nghiên cứu công nghệ nền để sản xuất và tái tạo nhiên liệu sinh học như cồn từ rơm rạ, mùn cưa... hay nhân nhanh các giống cây trồng để sản xuất diezel sinh học là hàng loạt các "đề bài" đang chờ các nhà khoa học tìm lời giải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.