Cũng như nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp công ích của thị xã Sơn Tây đang cho thấy tính hiệu quả không cao; một số địa phương buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Thực tế này đòi hỏi phải có sự đánh giá khách quan, toàn diện, đề ra giải pháp khắc phục, không để tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai kéo dài thêm...
Nhiều vi phạm trong sử dụng đất
Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện tổng diện tích đất nông nghiệp công ích toàn thị xã Sơn Tây là 301,75ha. Việc quản lý quỹ đất này còn lỏng lẻo, trong đó, nhiều thửa đất chưa được thiết lập hồ sơ quản lý đến từng thửa, mà chủ yếu được thể hiện qua báo cáo tổng hợp hằng năm, sự biến động ít được cập nhật kịp thời. Một số khác được thể hiện trên bản đồ dồn điền, đổi thửa, bản đồ 299 (bản đồ phân loại đất theo Chỉ thị số 299/TTg ngày 10-11-1980 của Thủ tướng Chính phủ)...
Đáng chú ý, quỹ đất này trước kia các địa phương thường cho thuê thầu, nhưng do buông lỏng quản lý nên hiện có nhiều diện tích đất đã thanh lý hợp đồng thuê mà chưa được bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân của tình trạng này là vướng mắc trong thanh lý tài sản sau khi hết hạn hợp đồng hoặc bỏ hoang, các hộ dân đang xâm canh... Vì thế, đất nông nghiệp công ích bị sử dụng sai mục đích còn khá nhiều.
Theo thống kê tại Thông báo số 28/TB-HĐND ngày 18-9-2023 "Kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND thị xã về công tác quản lý, sử dụng đất công ích trên địa bàn thị xã Sơn Tây", hiện trên địa bàn thị xã có đến 11 trường hợp biến đất nông nghiệp công ích thành nhà ở với tổng diện tích 740m2; 7 trường hợp xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ với diện tích 1.181,95m2...
Trong số các vi phạm kể trên, điển hình như một số trường hợp xây dựng quán bán hàng ở xã Kim Sơn. Công trình xây dựng từ khoảng năm 2006 và 2013, đến nay chưa thanh lý được hợp đồng hoặc đã thanh lý nhưng chưa bàn giao mặt bằng.
Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Lê Thị Chính cho biết: Trước năm 2010, nhiều trường hợp đất nông nghiệp công ích được UBND xã cho thuê thầu. Dù là đất nông nghiệp, nhưng trong hợp đồng lại ghi là đất kinh doanh, cho phép người thuê thầu được xây dựng công trình, nên rất khó xử lý.
Bức xúc hơn là trường hợp bà Lê Minh Phương xây dựng nhà hàng Ngọc Phượng rộng 684m2 trên đất nông nghiệp công ích ở phường Viên Sơn. Ngày 16-3-2023, UBND thị xã Sơn Tây đã ban hành quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện khắc phục hậu quả, song, đến nay công trình vẫn tồn tại và đang hoạt động bình thường. Hay, gia đình bà Đỗ Thị Hải (phường Phú Thịnh) đang sử dụng đất nông nghiệp công ích xen lẫn cùng nhiều loại đất khác, nhưng cũng chưa có phương án giải quyết...
Không chỉ vướng mắc trong xử lý công trình, một số dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vi phạm nhưng cũng không được khắc phục. Trong đó phải kể đến dự án cải tạo ao nuôi cá, ba ba, kết hợp chăn nuôi nhím và trồng cây trên diện tích 9.106,3m2 của ông Nguyễn Văn Quân tại khu ao Hoóc Sậu, phường Trung Hưng, hiện cũng đang bị sử dụng sai mục đích...
Công chức địa chính UBND phường Trung Hưng Kiều Xuân Luyến cho biết: Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của hộ ông Quân được UBND thị xã Sơn Tây phê duyệt từ năm 2013. Hiện ao Hoóc Sậu đã bị san lấp ½, còn các công trình khác xây dựng không có hồ sơ theo quy định. UBND phường đề nghị UBND thị xã thành lập đoàn kiểm tra để xem xét, có chỉ đạo kịp thời...
Cần giải pháp tổng thể
Không thể phủ nhận, những khó khăn chưa giải quyết được hiện nay về đất nông nghiệp công ích là do nhiều yếu tố khách quan, như hệ thống pháp luật đất đai qua các thời kỳ thay đổi nhiều, hồ sơ quản lý lỏng lẻo... Song, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, về mặt chủ quan, việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất nông nghiệp công ích ở một số địa phương còn chưa đúng quy định. Ngoài ra, có thực tế là dù đã có kết luận thanh tra về công tác quản lý đất công ích, nhưng vẫn còn đơn vị chưa thực hiện kết luận sau thanh tra; công tác xử lý vi phạm chưa kịp thời...
Nói về trách nhiệm trong xử lý vi phạm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sơn Tây Nguyễn Trung Thành khẳng định, theo quy định, đất nông nghiệp công ích do UBND cấp xã quản lý. Do đó, trước tiên, các địa phương phải chủ động trong giải quyết các tồn tại. Thời gian qua, UBND thị xã liên tục chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết trong xử lý, khắc phục; trường hợp vướng mắc phải có văn bản kèm theo hồ sơ, tài liệu gửi UBND thị xã để được kiểm tra, hướng dẫn thực hiện...
Để quản lý tốt hơn quỹ đất này, ông Nguyễn Trung Thành đề xuất, các cấp sớm nghiệm thu bản đồ nằm trong gói dữ liệu tổng thể hồ sơ địa chính do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội thực hiện để bàn giao cho các địa phương triển khai. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều thửa đất đủ điều kiện đấu giá, song các địa phương còn lúng túng trong thực hiện do tháng 8-2023, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có ý kiến về Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND ngày 3-6-2022 của UBND thành phố Hà Nội liên quan đến một số quy định về đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vì vậy, đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể cho các địa phương chủ động thực hiện đấu giá đất nông nghiệp công ích.
Thiết nghĩ, tồn tại nêu trên cũng là tình trạng chung đang diễn ra trên địa bàn nhiều huyện của thành phố Hà Nội. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, UBND các cấp tổng hợp, rà soát, phân loại, chỉ đạo cụ thể, toàn diện để quỹ đất nông nghiệp công ích được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.