(HNM) - Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản lượng lúa, Hà Nội đã đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa khâu cấy lúa bằng máy. Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp của Hà Nội quy mô nhỏ, nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp khó khăn, nhất là các loại máy có công suất lớn. Trong khi đó, chính sách của thành phố hỗ trợ còn thấp không khuyến khích được nông dân mua máy tốt...
Theo ông Nguyễn Lương Hậu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), năm 2019, xã được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy với quy mô 5.400 khay mạ/vụ, để cấy máy cho 200ha lúa/vụ. Nhìn chung, lúa cấy bằng máy sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất lúa đạt 60-62 tạ/ha.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất mạ khay, cấy lúa bằng máy còn khó khăn, nhất là vụ mùa do thời tiết nắng nóng và mưa úng thường xuyên xảy ra khiến mạ non chống chịu kém dẫn đến tỷ lệ chết, bỏ khóm nhiều...
Nhận định về những khó khăn của việc đưa cơ giới hóa trong khâu cấy lúa bằng máy của Hà Nội thời gian qua, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, đến năm 2019, diện tích cấy lúa bằng máy toàn thành phố đạt hơn 5.000ha, chiếm khoảng 3% diện tích cấy lúa. Mặc dù, cấy lúa bằng máy năng suất lúa cao hơn 10-15% so với cấy bằng tay, nhưng do một số địa phương đồng ruộng còn manh mún, không bằng phẳng, khó điều tiết nước dẫn đến đưa cơ giới hóa khâu gieo cấy gặp khó khăn.
Trong khi đó, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, không chủ động được việc tưới tiêu nước. Thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ nhưng còn thấp không khuyến khích được nông dân mua máy móc tốt, công suất lớn (chi phí đầu tư mua máy cấy 6 trị giá 365 triệu đồng, nhưng thành phố hỗ trợ là 75 triệu đồng)...
Để tháo gỡ khó khăn, phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) Kiều Văn Phượng đề xuất các sở, ngành tham mưu cho thành phố điều chỉnh chính sách hỗ trợ từ 50% cho mua máy phục vụ nông nghiệp, tối đa không quá 75 triệu đồng, thành hỗ trợ trực tiếp 50% cho các đơn giá máy khác nhau phục vụ cho nông nghiệp, tối đa không quá 150 triệu đồng/máy. Đặc biệt là các ngân hàng cần tạo điều kiện cho các hợp tác xã vay vốn để mua máy cấy phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho rằng, các sở, ngành tham mưu cho thành phố tiếp tục hỗ trợ mỗi huyện hình thành 1-2 trung tâm sản xuất mạ khay để làm điểm tham quan học tập cho các địa phương lân cận.
Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị về kỹ thuật sử dụng, sữa chữa máy, thiết bị máy cấy, dây chuyền gieo mạ khay.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần quy hoạch lại đồng ruộng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi, xây dựng cánh đồng cấy một giống lúa để thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy nói riêng và cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.