(HNM) - Xây dựng chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là đòi hỏi thực tế nhưng việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất và DN còn hạn chế. Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đang làm cho việc áp dụng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn trở nên khó khăn…
Hầu hết các mô hình trồng rau an toàn đều gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2012, ngành nông sản thực phẩm liên tiếp xảy ra những vụ vi phạm về ATVSTP, từ chất tạo nạc, cá điêu hồng nhiễm kháng sinh đến táo Fuji Trung Quốc nhiễm thuốc trừ sâu, thịt thối... Trong thời gian ngắn, tới 90% các vụ tranh chấp thương mại trong xuất khẩu của nước ta với các nước có liên quan đến an toàn thực phẩm. Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Hồng, trước những thông tin về táo Trung Quốc bán tại thị trường Việt Nam bị nhiễm độc, Cục đã lấy 40 mẫu táo thu thập tại hai thị trường lớn nhất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi kiểm nghiệm. Qua phân tích có khoảng 30% mẫu táo chứa dư lượng thuốc BVTV. Cũng từ đầu năm đến nay, cục này đã lấy 415 mẫu rau, quả để phân tích, kết quả phát hiện 105 mẫu có dư lượng thuốc BVTV. Trong khi nỗi lo về chất lượng lê, táo Trung Quốc chưa được giải tỏa thì nỗi lo về thịt thối lại ập đến làm dư luận hoang mang khi những lô "thịt bẩn" liên tiếp bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thời gian vừa qua.
Để quản lý tốt chất lượng an toàn VSTP, với sự giúp đỡ của Chính phủ Canada, Bộ NN&PTNT đã thực hiện mô hình xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn từ sản xuất tới tiêu thụ ở 8 tỉnh, TP là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Đây là việc cần thiết nhưng khi triển khai vào thực tế lại gặp khó khăn bởi nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất và DN đối với chuỗi thực phẩm an toàn còn hạn chế. Sự liên kết giữa nông dân và DN lỏng lẻo, kém hiệu quả, thiếu sự minh bạch trong việc kiểm soát thị trường thực phẩm an toàn… Vì vậy, việc xây dựng chuỗi ATVSTP vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Chẳng hạn như dự án rau an toàn (RAT) ở Yên Mỹ (Thanh Trì) do HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Mỹ triển khai từ tháng 2-2010 đến nay. Mặc dù mô hình sản xuất RAT đã cho năng suất và chất lượng cao nhưng gặp rất nhiều khó khăn ở khâu tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Nguyễn Văn Cả, xã viên HTX Yên Mỹ, hiện RAT ở đây mới chỉ cung cấp cho các trường học trong xã và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn với số lượng từ 30%-40% tổng sản lượng thu hoạch, còn lại 60%-70% nông dân phải tự mang ra các chợ đầu mối để bán với giá gần như rau thường nên lợi nhuận thấp. Hiện tại RAT ở Yên Mỹ có mã vạch mà chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP nên vẫn chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đăng Doanh cho rằng, để mô hình này thực hiện có hiệu quả, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân và DN phát triển chuỗi thực phẩm an toàn và đặc biệt quan tâm đến thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ cho người sản xuất cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm và tạo điều kiện cho họ được tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước. Còn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu thì nhấn mạnh: Muốn xây dựng được chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị, bộ ngành liên quan. Phải coi đây là cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp, phải chuyển từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung có sự kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng về chất lượng. Các đơn vị của ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ việc nhập khẩu nông sản thực phẩm và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Những trường hợp liên tiếp vi phạm phải bị cấm nhập khẩu sản phẩm về Việt Nam... Có như vậy mới có thể từng bước ngăn chặn nhập khẩu sản phẩm kém chất lượng vào địa bàn, gây dựng lòng tin với người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.