Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều góp ý xác đáng cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

Phương Nam - Tuệ An| 29/03/2023 10:28

(HNMO) - Thành phố Hồ Chí Minh đang tổ chức cho các tầng lớp nhân dân góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi bổ sung luật 2014) và tiếp nhận được nhiều ý kiến góp ý xác đáng, nhằm hoàn thiện dự thảo luật quan trọng này.

Dự thảo Luật BHXH có nhiều điểm mới. Đồ họa: SGGP

10 điểm mới trong dự thảo

Trong dự thảo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan soạn thảo) đã sửa đổi, bổ sung 5 nhóm chính sách với 18 nội dung chính, thể hiện qua 10 điểm mới. Một là, bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước. Đối tượng thụ hưởng là công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hằng tháng khác.

Thứ hai, bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH là người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt… tham gia và thụ hưởng 5 chế độ của BHXH bắt buộc. Ngoài ra, dự thảo luật cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. 

Một số quy định mới. Đồ họa: SGGP.

Thứ ba, người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản, nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm. Thứ tư, giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, bảo đảm quyền lợi cho những người tham gia BHXH muộn.

Thứ năm, dự thảo đưa ra phương án 2 thay đổi quy định hiện hành theo hướng cho phép người lao động hưởng BHXH một lần để đáp ứng nhu cầu trước mắt song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Thứ sáu, dự thảo bổ sung thêm quy định để cho phép tính được tỷ lệ hưởng lương hưu đối với những người có dưới 20 năm đóng BHXH và việc công nhận thời gian đóng BHXH theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Thứ bảy, bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH và bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH.

Thứ tám, dự thảo đưa ra 2 phương án quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Một là, tổng thu nhập (lương, phụ cấp, các khoản bổ sung khác…) có thể xác định được. Hai là, tổng thu nhập (lương, phụ cấp, các khoản bổ sung khác) theo quy định của pháp luật lao động.

Thứ chín, sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để khuyến khích người lao động tiếp tục đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu. Thứ mười, dự thảo quy định sổ BHXH được xây dựng trên môi trường điện tử và được cấp cho từng người lao động…

Những đóng góp xác đáng

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các cuộc góp ý cho dự thảo (từ ngày 28-2 đến hết ngày 30-4). Đa số các ý kiến tập trung góp ý một số vấn đề như cần đa dạng về mức đóng và hưởng BHXH tự nguyện để người dân lựa chọn; cần nghiên cứu lại việc giảm tuổi về hưu thay vì giảm số năm đóng BHXH... để hài hòa giữa chính sách BHXH với quyền lợi của người lao động.

Dự thảo quy định mới về bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đồ họa: SGGP

Một số ý kiến góp ý rất chi tiết. Đơn cử, về Điều 19, nhiều ý kiến đề nghị không ghi riêng "của Công đoàn" trong tiêu đề này; Nên ghi là: "Quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức đại diện người lao động". Trong nội dung nên đưa quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận vào khoản 1, quyền và trách nhiệm của Công đoàn và tổ chức đại diện người lao động vào khoản 2 để nhấn mạnh vai trò của MTTQ, tổ chức thành viên đối với nhân dân và vai trò của Công đoàn, tổ chức đại diện người lao động đối với người lao động.

Về dự thảo Điều 31, các ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn về các đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện theo hướng khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện phù hợp với nhu cầu, điều kiện tài chính của các tầng lớp nhân dân, tránh trùng lắp đối với người tham gia BHXH bắt buộc. 

Dự thảo bổ sung đối tượng hưởng chế độ thai sản. Đồ họa: SGGP.

Bên cạnh đó, đối với các điều khoản có quy định các khoản trợ cấp bằng tiền, các ý kiến góp ý đề nghị không ghi cụ thể số tiền mà nên tính theo tỷ lệ phần trăm so với mức đóng BHXH. Lý do: Tuổi thọ của luật ít nhất là 10, 15 năm hoặc dài hơn. Việc quy định số tiền cụ thể sẽ sớm lạc hậu và không phù hợp. Việc quy định theo tỷ lệ phần trăm so với mức đóng bảo hiểm đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm, dễ tính toán chi trả.

Dự thảo thu hẹp diện thân nhân nhận trợ cấp tuất. Đồ họa: SGGP

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, những đóng góp cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đi vào trọng tâm, đề cập đến những vấn đề mà dư luận, người lao động đặc biệt quan tâm, nhằm góp phần giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập; đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến cho biết, cơ quan chức năng sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý dự thảo Luật BHXH, gửi đến cơ quan soạn thảo dự thảo Luật để có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều góp ý xác đáng cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.