Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Mạnh Dũng| 07/10/2022 18:35

(HNMO) - Chiều 7-10, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa lan hồ điệp.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Thời gian qua, Hà Nội tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều cơ chế, chính sách đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn thành phố đã phát triển được 160 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tại hội thảo, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp đã tham góp ý kiến, tập trung vào nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong số này, có các giải pháp về chiếu sáng thông minh, ứng dụng IOT kết nối vạn vật; quản lý chuỗi cung ứng, minh bạch thông tin, chống gian lận thương mại và kết nối cung - cầu nông sản…

Ông Đặng Trần Hoạch, phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) trồng 5 sào hoa cúc. Ông Hoạch chia sẻ kinh nghiệm, nhờ ứng dụng kỹ thuật mới trong sử dụng bóng đèn led thắp sáng cho hoa cúc thay vì sử dụng bóng đèn sợi đốt đã giúp gia đình tiết kiệm được khoảng 70% điện năng tiêu tốn. Nhờ đó, lợi nhuận từ 1 sào trồng hoa cúc được nâng lên, đạt 44 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, với Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội, nhờ tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là Dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu, lai tạo giống bò BBB trên nền bò thịt lai sind thành bò F1 hướng thịt của thành phố Hà Nội”, dự án đã tạo ra 240.000 con bê F1 BBB, tăng năng suất đàn bò thịt lai tạo so với các giống trước đây 20-30%, đạt giá trị hơn 12.000 tỷ đồng, giá trị gia tăng so với các giống bò thịt khác cùng thời điểm hơn 2.400 tỷ đồng.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã và đang thu hút ngày một nhiều doanh nghiệp tham gia. Hiện, có 20 doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống lúa, rau, hoa, cây ăn quả. Bên cạnh đó, 9 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản - công nghệ chế biến nông lâm sản và thủy sản. Tuy nhiên, đến nay, Hà Nội mới có 1 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí liên Bộ: NN&PTNT - Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bà Bùi Thị Hường Bích, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) chia sẻ, là đơn vị chuyên sản xuất hoa lan ứng dụng công nghệ cao, việc ứng dụng công nghệ cao gặp khó khăn bởi cần nguồn vốn đầu tư lớn. Hợp tác xã có quy mô nhỏ, hạn chế nguồn lực nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ...

Ông Nguyễn Ngọc Giang, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội cũng cho biết, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vận dụng vào thực tế còn bất cập. Ví như, Nghị định 57/2018/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, người dân rất khó tiếp cận; do phương thức hỗ trợ sau đầu tư nên doanh nghiệp khó khăn về vốn không thực hiện được…

TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng. Thông qua hội thảo, Liên hiệp hội đề xuất, kiến nghị thành phố và các nhà khoa học để có giải pháp thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn...

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, nhằm triển khai hiệu quả ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Sở đang trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, ban hành Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình khi đi vào thực tiễn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển và ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.