Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế

Hoàng Quyên| 25/01/2023 07:33

(HNM) - Ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu, năm 2023 đón và phục vụ 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 650 nghìn tỷ đồng. Đây được xem là mục tiêu lớn của toàn ngành, khi mà năm 2022 việc đón khách quốc tế chưa đạt được như kỳ vọng. Trong bối cảnh du lịch thế giới còn gặp nhiều khó khăn, ngành Du lịch đã đưa ra nhiều giải pháp để có thể thực hiện kế hoạch đề ra.

Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: Nhật Nam

Khả năng đạt mục tiêu

Năm 2022, ngay khi Chính phủ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15-3, ngành Du lịch Việt Nam đã đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, dù hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc và thành công đáng kể, nhất là du lịch nội địa, nhưng với thị trường quốc tế, ngành Du lịch vẫn chưa đạt được như kế hoạch.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2022 mới đạt khoảng 3,5 triệu lượt, tương ứng 70% so với mục tiêu. Dù hoạt động đón khách quốc tế chưa như kỳ vọng, nhưng năm 2023, ngành Du lịch vẫn đặt mục tiêu cao hơn là đón 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 650 nghìn tỷ đồng.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, với việc dần phục hồi ở một số thị trường cùng với hàng loạt kết quả đã đạt được trong năm 2022, như: Giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á do Tổ chức Du lịch thế giới (World Travel Awards 2022) bình chọn; nằm trong tốp những quốc gia được tìm kiếm nhiều nhất thế giới; luôn trong nhóm điểm đến hàng đầu thế giới do các cơ quan truyền thông uy tín bình chọn…, thì ngành Du lịch vẫn có nhiều triển vọng có thể thu hút được lượng khách du lịch lớn trong năm 2023.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, dù còn gặp nhiều khó khăn, song Việt Nam vẫn có nhiều “cửa” để tăng lượng khách du lịch, đặc biệt, thị trường khách lớn nhất là Trung Quốc sẽ trở lại trong năm nay, khi Chính phủ nước này đã mở các cửa khẩu quốc tế vào ngày 8-1-2023.

Hiện tại, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó châu Á chiếm tỷ lệ lớn, nhất là sự gia tăng khách của những thị trường mới nổi là Ấn Độ, Campuchia. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, thị trường khách Trung Quốc sẽ mang đến sự khởi sắc cho hoạt động du lịch quốc tế trong năm 2023, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường châu Âu cũng có tín hiệu khởi sắc với sự gia tăng khách đến từ các nước: Anh, Pháp, Thụy Sĩ…

Cần nhiều giải pháp hiệu quả

Với mục tiêu lớn trong năm 2023, ngành Du lịch xác định đây là thách thức không nhỏ và cần nhiều giải pháp mang tính chiến lược, đồng bộ từ cơ quan quản lý đến các đơn vị kinh doanh du lịch.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, năm 2023 dự đoán toàn ngành còn gặp nhiều khó khăn vì vẫn còn tàn dư ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, du lịch thế giới thời gian tới sẽ phục hồi, song chưa trở về được mức như năm 2019; du lịch nội địa tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại. “Đây sẽ là khó khăn chung của toàn ngành, khi mà kinh tế thế giới vẫn có những biến động, du khách sẽ thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, du lịch cần nắm bắt các thời cơ để phục hồi nhanh thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

Bàn về các giải pháp giúp Việt Nam có thể nhanh chóng tăng tốc, đón được lượng khách quốc tế như kỳ vọng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng, việc cần làm lúc này là phải thay đổi chính sách visa với thủ tục nhanh chóng, tăng thời gian lưu trú cho du khách. Đồng quan điểm, ông Chris Farwell, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho hay, Việt Nam cần mở rộng các quốc gia được

miễn thị thực, nhất là với thị trường tiềm năng, như: Châu Âu, Australia, New Zealand, Canada và cần mở rộng cấp thị thực điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến Việt Nam. Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Lux Group Phạm Hà cho rằng, muốn khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, các địa phương, đơn vị kinh doanh cần phải có chiến lược xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách quốc tế, tăng cường quảng bá. Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Kim Liên Ngô Lan Phương, thời gian tới du khách Trung Quốc sẽ đi du lịch nhiều sau thời gian dài bị “kìm chân” vì dịch Covid-19, nên các đơn vị kinh doanh du lịch cần có sự chuẩn bị và đầu tư để khai thác thị trường này một cách chủ động, an toàn, tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Hiện tại, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch thúc đẩy việc đón khách quốc tế trong năm 2023. Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngành Du lịch sẽ tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến, quảng bá tại các diễn đàn, hội nghị du lịch quốc tế, như: Diễn đàn du lịch ASEAN ATF 2023 tại Indonesia; Hội chợ du lịch ITB tại Berlin - Đức; Hội chợ du lịch WTM tại London - Anh. Các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu lại tâm lý, xu hướng du lịch của khách quốc tế để xây dựng nhiều sản phẩm chuyên biệt, hấp dẫn hơn và tham mưu, đề xuất thay đổi chính sách visa sao cho phù hợp.

“Ngành Du lịch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, như công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt; thực hiện Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; đề án “Ứng dụng công nghệ của Công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn””, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.