Xã hội

Nhiều giải pháp hỗ trợ nguồn lực hiệu quả, bảo đảm sinh kế cho người lao động sau thiên tai

Mai Hoa 31/03/2025 - 16:47

Chiều 31-3, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (36 Xuân Thủy, Hà Nội), Tọa đàm “Giải pháp đảm bảo sinh kế cho người lao động sau thiên tai” đã được tổ chức.

1-dong-dao.jpg

Chương trình thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, chuyên gia. Ảnh: Duy Khánh

Chương trình do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid Việt Nam), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức, gắn liền với việc khởi động Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng năm 2025". Nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ nguồn lực, hoạch định chính sách phù hợp, góp phần bảo đảm sinh kế cho người lao động sau thiên tai đã được bàn thảo tại chương trình.

Hỗ trợ nguồn lực tài chính hiệu quả: Câu chuyện thực tiễn từ hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội

1-cac-dai-bieu.jpg

Trao hoa tặng các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Duy Khánh

Một trong các giải pháp hữu hiệu được các nhà quản lý, chuyên gia đề cao là hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các tổ chức, cá nhân ảnh hưởng bởi thiên tai sớm ổn định, khôi phục sản xuất.

Chia sẻ về nội dung này, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội Đặng Đức Hạnh đã nêu lên những con số ấn tượng, minh chứng hiệu quả từ việc hỗ trợ nguồn lực tài chính. Theo ông Đặng Đức Hạnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội hiện đang triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn thành phố. Đến cuối tháng 3 năm 2025, dư nợ các chương trình đạt gần hơn 17.400 tỷ đồng với 270 nghìn khách hàng đang vay vốn. Hầu hết các khách hàng vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng vốn, một số người vay bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt làm thiệt hại về kinh tế, môi trường sống, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người vay.

Đặc biệt, đầu tháng 9-2024, Hà Nội là một trong các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Siêu bão Yagi) với mức độ ảnh hưởng lớn gây ngập lụt và thiệt hại nặng nề.

1-ong-hanh.jpg

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội Đặng Đức Hạnh chia sẻ câu chuyện thực tiễn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Duy Khánh

Trước tình hình này, Chi nhánh đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành rà soát, thống kê các trường hợp vay vốn bị thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, thực hiện hàng loạt giải pháp như: Tạm dừng thu lãi, gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp trên báo cáo Chính phủ giảm lãi vay hoặc xử lý nợ rủi ro cho các khách hàng bị thiệt hại do thiên tai. Trong tháng 12-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định giảm lãi suất cho vay 2%/năm đối với tất cả các khoản vay có dư nợ từ ngày 1-9-2024 đến hết ngày 31-12-2024 trên địa bàn 26 tỉnh, thành, trong đó có thành phố Hà Nội. Thời gian giảm lãi suất trong 4 tháng, với số tiền là 109 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ngân hành Chính sách xã hội thành phố đã tích cực phối hợp với các Sở, ngành, báo cáo UBND thành phố bổ sung 400 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác địa phương, để giải ngân cho vay hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão Yagi. Đồng thời, Chi nhánh đã tham mưu cho UBND thành phố phân bổ vốn kịp thời đến các địa bàn bị thiệt hại lớn, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách cấp huyện khẩn trương giải ngân để khôi phục sản xuất kinh doanh. Trong quý IV/2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã giải ngân cho trên 5.600 khách hàng với số tiền 440 tỷ đồng, quý I-2025 đã giải ngân cho 4.160 khách hàng với số tiền 340 tỷ đồng, đáp ứng cơ bản nhu cầu của các hộ, tạo việc làm ổn định cho bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Đa dạng giải pháp, làm tốt công tác quản lý rủi ro

Trong khuôn khổ tọa đàm, các nhà quản lý và chuyên gia, gồm TS. Hoàng Mạnh Hùng, Giảng viên chính ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp Trường Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân; bà Lưu Ánh Nguyệt, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính; ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội… đã nêu lên nhiều giải pháp đa chiều nhằm bảo đảm sinh kế cho người lao động sau thiên tai. Trong đó, bà Lưu Ánh Nguyệt khuyến nghị công tác hỗ trợ người lao động nâng cao kiến thức, năng lực nắm bắt thông tin, chủ động tham gia bảo hiểm rủi ro thiên tai, đồng thời, tăng cường tìm hiểu, tận dụng cơ hội phòng ngừa rủi ro thông qua chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp…

1-dai-bieu-tham-gia-toa-dam(1).jpg

TS. Hoàng Mạnh Hùng, Giảng viên chính ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp Trường Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân (ngoài cùng bên trái) trao đổi tại chương trình. Ảnh: Duy Khánh

Còn TS. Hoàng Mạnh Hùng nhấn mạnh yêu cầu phải xác định tầm nhìn dài hạn trong việc thích ứng thiên tai, biến đổi khí hậu, chủ động tìm kiếm giải pháp từ xa trong dự phòng xâm ngập mặn, phòng, chống bão lũ. Đồng thời, phải tăng năng lực thích ứng, khắc phục tình trạng tàn phá khủng khiếp của thiên tai. Đặc biệt, phải chú trọng triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nông thôn thường xuyên, liên tục, phù hợp đặc điểm điều kiện từng vùng miền…

Việc quản lý rủi ro nhằm đảm bảo an toàn tài chính và duy trì hoạt động bền vững cũng là một giải pháp được nhiều đại biểu đồng tình. Ông Đặng Đức Hạnh nhấn mạnh: “Một trong những biện pháp quan trọng được thực hiện là trích lập Quỹ dự phòng rủi ro. Đối với khách hàng bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, trong đó có rủi ro do thiên tai, có thể được xem xét xử lý rủi ro khoanh nợ, xóa nợ tùy theo mức độ thiệt hại, trên cơ sở đề nghị của khách hàng, xác nhận của chính quyền địa phương và phê duyệt của cấp có thẩm quyền”.

Ngoài ra, đối với các địa bàn dễ xảy mưa bão, ngập lụt, hoặc khu vực gần vùng xả lũ, người dân cần được hướng dẫn sử dụng vốn vay vào những ngành nghề ít bị ảnh hưởng để giảm thiểu rủi ro về thiên tai. Trong trường hợp xảy ra thiên tai, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, thống kê các trường hợp vay vốn bị thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, tích cực phối hợp với các sở ngành và cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất Trung ương, địa phương bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách để cho vay hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để xử lý rủi ro đối với các hộ đủ điều kiện, giúp họ yên tâm đầu tư phát triển, cải thiện cuộc sống vươn lên làm giàu chính đáng./.

Khởi động chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2025

Chiều cùng ngày, Lễ khởi động Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2025 đã được tổ chức.

Theo đó, Chương trình năm nay sẽ diễn ra với nhiều tọa đàm chuyên đề về bảo hiểm rủi ro thiên tai, đồng thời, tăng cường các chuyến đi thực tế, khảo sát, hướng đến hỗ trợ người dân vùng rốn lũ thường phải đối mặt với thiên tai.

Đặc biệt, thông qua chuyên mục Podcast về các vấn đề an sinh xã hội trên chuyên trang Pháp luật & Xã hội (thuộc Báo Kinh tế & Đô thị), chương trình sẽ cung cấp cẩm nang hỗ trợ kiến thức, pháp lý liên quan đến phòng, chống thiên tai với người dân, trong đó, sẽ ứng dụng công nghệ AI vào mục hỏi - đáp.

Phát động cuộc thi "Những cống hiến thầm lặng" năm 2025, Ban tổ chức sẽ tiếp nhận các tác phẩm báo chí có thời gian đăng tải từ ngày 1-1-2025 đến 30-10-2025 (gửi về địa chỉ email nhungconghienthamlang2025@gmail.com). Tổng giá trị giải thưởng của Cuộc thi hơn 240 triệu đồng. Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức mong muốn góp thêm tiếng nói để từ đó các cơ quan quản lý, đơn vị, cơ quan bảo hiểm thực hành tốt hơn nữa chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho những người dân gặp thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp hỗ trợ nguồn lực hiệu quả, bảo đảm sinh kế cho người lao động sau thiên tai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.