Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động

Tuệ An| 12/07/2020 11:19

(HNMO) - Trong 6 tháng đầu năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 328.000 lao động phải nghỉ việc, do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Các ngành, các cấp thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Nhiều người phải nghỉ việc

Trong con hẻm nhỏ ngoắt ngoéo tại địa chỉ 2/35/68 đường Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng, quận 7, chị Đỗ Hoàng Yên, 25 tuổi, quê ở Bạc Liêu loanh quanh dọn dẹp căn phòng trọ chừng 12m2 trong dãy nhà trọ sát mặt hẻm. Đồ đạc trong nhà hầu như không có gì, ngoài chiếc giường nhỏ, cây quạt máy và bộ bếp ga cũ.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người lao động tại thành phố Hồ Chí Minh đã tạm mất việc làm.

Gấp mấy chiếc quần áo cho vào chiếc hộp nhựa rồi đẩy xuống dưới gầm giường, chị Đỗ Hoàng Yên tâm sự: “Tôi làm công nhân cho một công ty làm hàng may mặc xuất khẩu, nhưng 2 tháng nay công ty không có việc, phải nghỉ không lương”.

Kết quả khảo sát mới đây của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố Hồ Chí Minh với 16.300 doanh nghiệp cho thấy, có tới 13.933 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 85,4%, bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua. Trong số này, gần 8.400 doanh nghiệp có khả năng dừng hoạt động, phải cắt giảm lượng lớn lao động.

Nhiều lao động ngành may mặc, da giày đã được thành phố Hồ Chí Minh giúp đỡ tìm công việc mới.

Điển hình như tại quận Gò Vấp, Công ty TNHH Huê Phong chuyên sản xuất giày da xuất khẩu đã cắt giảm 2.222 lao động trong số 4.500 công nhân. Còn tại Công ty PouYuen (sản xuất giày dép, quần áo) ở quận Bình Tân, từ tháng 7-2020, có tới 2.800 công nhân bị thôi việc và hơn 6.000 công nhân trong tổng số gần 70.000 công nhân phải tạm nghỉ việc một tháng.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, thành phố có nhiều người lao động mất việc làm đến như vậy”.

Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ

Với vai trò tham mưu chính sách, Sở LĐ-TB&XH thành phố Hồ Chí Minh đã trình UBND thành phố Hồ Chí Minh các biện pháp ứng phó với tình hình mới. Trước hết là 2 kịch bản ứng phó.

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại chương trình Tiếp sức người lao động được tổ chức ngày 11-7.

Theo kịch bản tích cực, dịch bệnh được kiểm soát tốt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh gia tăng, thu hút lao động, hạn chế lao động ngừng việc, mất việc. Tuy nhiên, các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng do xuất nhập khẩu gián đoạn. Dự báo, khoảng 4.400 doanh nghiệp tại thành phố bị ảnh hưởng, với 100.000-120.000 lao động bị ngừng việc, thôi việc.

Theo kịch bản dịch bệnh diễn biến xấu, 4.800 - 5.000 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ, công nghiệp - xây dựng (dệt may, giày da, chế biến gỗ, thực phẩm...) bị ảnh hưởng, kéo theo 160.000 - 180.000 lao động mất việc.

Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với Công ty PouYuen Việt Nam đào tạo chuyên môn cho công nhân và thực tập, kiến tập cho sinh viên.

“Có được kịch bản rồi, sẽ có các biện pháp ứng phó sát với tình hình”, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói.

Với phương châm giúp doanh nghiệp tồn tại, sẽ giữ được việc làm cho công nhân, Thành ủy và UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cấp, các ngành giúp 90% trong số gần 8.400 doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ và Nghị quyết 02 của HĐND thành phố vào tháng 9-2020, để tạo quỹ lương cho công nhân chờ việc.

Với người lao động, tính đến hết tháng 6-2020, thành phố đã chi hỗ trợ cho hơn 510.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong tổng số 542.000 người (chiếm 95%) thuộc 7 nhóm, với số tiền khoảng 560 tỷ đồng.

Thành phố cũng đã giúp hàng nghìn lao động ngành may mặc, da giày tìm được công việc mới. Ngoài ra, những lao động phổ thông muốn được học nghề, được ưu tiên đưa vào hệ thống các trường nghề của thành phố; được vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm để học tập và lập nghiệp.

Với những người có trình độ chuyên môn, thành phố liên tục tổ chức những Ngày hội việc làm, đưa doanh nghiệp và người lao động đến gần nhau. Gần đây nhất, ngày 11-7, chương trình Tiếp sức người lao động do Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức, đã thu hút được 70 công ty, giới thiệu 15.000 việc làm tới người lao động, thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia.

Tham gia chương trình, ông Lương Tiến Thành, Trưởng phòng nhân sự Công ty Best Man Power (quận 3), cho biết, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.000 vị trí việc làm về lĩnh vực kế toán, tài vụ, hành chính, với mức lương  từ 1.500 đến 5.000 USD/tháng.

Còn ông Võ Minh Giáo, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn quản lý VCG (quận Bình Thạnh), thông tin: “Chúng tôi cần tuyển 70 người cho công tác quản lý tòa nhà, với mức lương từ 8-20 triệu đồng/tháng. Riêng đối với chung cư hạng B+ và hạng A thì mức lương cho kĩ sư trưởng và trưởng ban quản lý có thể từ 30-40 triệu đồng/tháng”.

Phấn khởi vì đã lọt vào vòng cuối cùng khi tham gia tuyển dụng tại Công ty TNHH Hoàng Gia Luật (quận Tân Bình), anh Dương Trung Kiên, 29 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú cho biết, với trình độ chuyên môn được đào tạo cơ bản, cơ hội việc làm với anh đang rất lớn.

“Tôi đã phải nghỉ việc tại công ty cũ hơn một tháng qua. Nay tôi rất kỳ vọng vào vị trí công việc mới, với mức lương dự kiến 18 triệu đồng/tháng”, anh Kiên chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.