Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp hiệu quả về lao động và xã hội

Mai Hoa| 22/03/2023 07:00

(HNM) - “Nghiên cứu, kiến nghị biện pháp xử lý các vấn đề về lao động và xã hội trong hội nhập” là một nhiệm vụ quan trọng mà UBND thành phố Hà Nội giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai, nhằm thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam đã trao đổi cùng phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này.

Tư vấn tuyển dụng cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Thu Minh

- Ông có thể chia sẻ đôi điều về các biện pháp đã được áp dụng nhằm giải quyết các vấn đề về lao động và xã hội trong hội nhập Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN thời gian qua?

- Thực hiện Kế hoạch hành động số 188/KH-UBND ngày 1-10-2018 của UBND thành phố Hà Nội thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, trong những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phát huy vai trò là đơn vị chủ trì, điều phối, triển khai kế hoạch, thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ về lao động và xã hội. Nổi bật là việc tham mưu ban hành và triển khai Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 8-6-2021 của UBND thành phố về thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động thành phố Hà Nội đến năm 2030; tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 3374/QĐ-UBND ngày 13-7-2021 của UBND thành phố nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Mới nhất, thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10-1-2023 của Chính phủ, Sở đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 10-3-2023 về việc phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, thành phố chú trọng xây dựng chính sách việc làm gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển việc làm bền vững, việc làm xanh gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội và bố trí đầu tư... góp phần tạo dựng cơ chế bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bao trùm cho người lao động yên tâm làm việc, tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống…

- Chúng ta đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể thế nào về lao động và xã hội trong quá trình hội nhập Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN?

- Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 7%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55,5%. Chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu. Đồng thời, duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%. Đáng chú ý, thành phố phấn đấu tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 50%; 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%...

- Vậy, đâu sẽ là những nhóm nhiệm vụ và giải pháp được chú trọng triển khai trong thời gian tới, thưa ông?

- Thứ nhất, phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi các chính sách để hạn chế thất nghiệp, nâng cao chất lượng lao động...

Thứ hai, tập trung phục hồi và ổn định thị trường lao động, bám sát thực tiễn, quản trị nguồn nhân lực chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách phát triển thị trường lao động với các thị trường khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cung - cầu lao động.

Thứ ba, phải thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo việc làm bền vững. Đồng thời, chú trọng việc nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thị trường lao động; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ; tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối liên tỉnh; phiên giao dịch việc làm chuyên đề cho người khuyết tật, tổ chức tư vấn, giới thiệu học nghề và giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy... Cùng với đó, ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động...

Đặc biệt, phải chú trọng hỗ trợ phát triển "lưới an sinh" và bảo hiểm cho người lao động. Thúc đẩy và phát huy vai trò trung tâm của tổ chức Công đoàn trong thu hút người lao động và tổ chức của người lao động gia nhập Công đoàn, phát triển thành viên, nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục xây dựng mạng lưới thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường lao động, nhu cầu kỹ năng tương lai; phổ biến rộng rãi trang thông tin điện tử “Người tìm việc - Việc tìm người” để tăng cường kết nối cung - cầu lao động; tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao... Tất cả nhằm nâng cao đời sống của người lao động, thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp hiệu quả về lao động và xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.