Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi

Kim Nhuệ| 29/11/2021 07:41

(HNM) - Nhiều đập, hồ thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội bị bồi lắng, hư hỏng, xuống cấp, giảm công năng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn... Trước tác động của thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập, hồ thủy lợi.

Công nhân Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì kiểm tra, xác định mốc giới đập hồ Suối Hai phục vụ công tác quản lý.

Nhiều hạn chế, bất cập...

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 117 hồ thủy lợi, nằm trên địa bàn 6 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây; trong đó có 9 hồ chứa có quy mô lớn, 20 hồ có quy mô vừa và 88 hồ quy mô nhỏ... Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, phần lớn đập, hồ thủy lợi của thành phố được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước với kỹ thuật thi công thủ công... Từ khi xây dựng đến nay, hầu hết các hồ chưa được nạo vét lòng hồ. Qua nhiều năm khai thác, sử dụng, nhiều hạng mục công trình chính như: Đập, tràn, cống lấy nước đã bị xuống cấp ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất và an toàn công trình... “Trên địa bàn xã Thuần Mỹ có hồ Mèo Gù và những năm gần đây đã xuống cấp. Người dân rất mong các cấp, các ngành sớm kiên cố hóa, bảo đảm vững chắc đập hồ...”, ông Nguyễn Danh Thái, người dân xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) nói.

Bên cạnh đó, nhiều đập, hồ thủy lợi của Hà Nội chưa có hệ thống giám sát vận hành, hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du; thiếu hệ thống lưu trữ hồ sơ, hệ thống cơ sở dữ liệu; chưa có quy trình vận hành cửa van, quy trình bảo trì công trình; chưa cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước dẫn đến khó khăn trong quản lý… Mặt khác, lực lượng quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy lợi còn mỏng. Hầu hết nhân lực trong quản lý, vận hành, khai thác hồ, đập mới chỉ được tham gia tập huấn, chưa được đào tạo thông qua các khóa học chính thức về lĩnh vực bảo đảm an toàn đập, hồ chứa...

Những tồn tại, hạn chế nêu trên không chỉ làm giảm công năng của hồ thủy lợi trong phòng, chống lũ, tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo cảnh quan môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho vùng hạ du.

Đồng bộ giải pháp bảo đảm an toàn

Để bảo đảm an toàn công trình và tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du đập, hồ thủy lợi, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh, ngày 30-9-2020, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn thành phố. Theo đó, giai đoạn 2020-2025, Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ Luật Thủy lợi và các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, như: Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập, kiểm định an toàn đập, hồ, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm... Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ củng cố, kiện toàn, tổ chức hoạt động có hiệu quả Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi cấp thành phố; củng cố, kiện toàn, đào tạo lại đội ngũ quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ thủy lợi trên địa bàn thành phố, nâng cao năng lực của các tổ chức quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi các cấp. Từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, khai thác các đập, hồ như: Công nghệ phát hiện sớm nguy cơ sự cố đập; công nghệ không gian trong quan trắc cảnh báo an toàn đập; công nghệ thi công xử lý ẩn họa công trình...

Cùng với đó, Hà Nội tăng cường truyền thông cho người dân về an toàn hồ, đập; tổ chức diễn tập, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó các tình huống khẩn cấp; điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng thoát lũ vùng hạ du đập, hồ chứa, xây dựng phương án ứng phó tình huống thiên tai, khẩn cấp...

Song hành những giải pháp trên, Hà Nội dự kiến bố trí khoảng 666 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố để thực hiện đề án; trong đó sẽ bố trí khoảng 37 tỷ đồng kinh phí bảo trì, 89 tỷ đồng tăng cường năng lực quản lý và 540 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp, chống xuống cấp các công trình đập, hồ bị hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ mất an toàn thuộc địa bàn các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây; rà soát, bổ sung, xây dựng quy trình bảo trì đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn thành phố; triển khai cắm mốc chỉ giới, phạm vi bảo vệ cho 29 đập, hồ thủy lợi...

UBND thành phố đã giao các sở, ngành, địa phương triển khai đề án; trong đó, Sở NN&PTNT chủ trì tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người tham gia hoạt động về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; chủ trì phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa thủy lợi, triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ, đúng quy định pháp luật...

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, việc bảo đảm an toàn hồ đập không chỉ là nhiệm vụ cấp bách trong mùa mưa bão mà cần là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành và người dân địa phương...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.