(HNM) - Trên địa bàn huyện Thường Tín có một số khu vực quy hoạch khu công nghiệp, nhưng nhiều năm nay chưa được triển khai khiến hàng trăm héc ta đất nông nghiệp trong tình trạng
Khu ruộng của các hộ nông dân nằm trong quy hoạch Khu công nghiệp Bắc Thường Tín luôn ngập nước. |
Theo quy hoạch, huyện Thường Tín có 3 khu công nghiệp, với tổng diện tích 681ha, gồm: Bắc Thường Tín với diện tích 430ha, Khu công nghiệp Phụng Hiệp 175ha, Khu công nghiệp HABECO 76ha… Ngày 10-9-2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ra Quyết định 1662/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch chi tiết diện tích 308ha, giao Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và phát triển HS Việt Nam (Công ty HS Việt Nam) làm chủ đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Bắc Thường Tín. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của quy hoạch đường Vành đai 4, quy hoạch chung xây dựng huyện Thường Tín… nên diện tích đất dành xây dựng khu công nghiệp chỉ còn khoảng 62ha.
Phần diện tích 122ha còn lại (trong tổng số 430ha) của Khu công nghiệp Bắc Thường Tín, do Công ty cổ phần Đầu tư DIA được giao làm chủ đầu tư. Trong đó, 41,6ha thuộc cụm công nghiệp Hà Bình Phương đã hoàn thành xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư đạt 100% diện tích và đi vào hoạt động ổn định từ năm 2008. Diện tích 80ha còn lại, mặc dù đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, nhưng hiện vẫn là đất nông nghiệp, chưa giải phóng mặt bằng. Như vậy, Khu công nghiệp Bắc Thường Tín còn khoảng 142ha (bao gồm 62ha giao cho Công ty HS Việt Nam và 80ha giao cho Công ty cổ phần Đầu tư DIA), đến nay chưa thể triển khai…
Tại Khu công nghiệp Phụng Hiệp, quy mô 175ha, Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà được giao làm chủ đầu tư (tại Quyết định 1975/QĐ-UBND ngày 29-10-2007 của UBND tỉnh Hà Tây), nhưng đến nay chưa thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân do Khu công nghiệp Phụng Hiệp phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết để bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với tuyến đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên. Tương tự, Khu công nghiệp HABECO, được phê duyệt từ năm 2008, nhưng do phải điều chỉnh để phù hợp với các quy hoạch liên quan, nên cũng chưa thể thực hiện…
Điều đáng nói là tình trạng này đã tồn tại từ 10 năm nay khiến nhiều hộ nông dân không thể chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế… Chia sẻ vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Văn Bình Nguyễn Văn Quang cho biết: Xã có khoảng 50ha nằm phía Đông đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, do nằm trong vùng quy hoạch Khu công nghiệp Bắc Thường Tín, nên hệ thống tưới tiêu phục vụ nông nghiệp không được đầu tư, nhiều thửa ruộng luôn trong tình trạng ngập úng triền miên khiến 822 hộ nông dân khó canh tác... Tương tự, xã Thắng Lợi cũng có hơn 50ha nằm trong vùng trũng, do Khu công nghiệp Phụng Hiệp chưa triển khai nên rất khó đầu tư cho thủy lợi nội đồng…
Theo Sở Công Thương, tại Khu công nghiệp Bắc Thường Tín, Công ty cổ phần Đầu tư DIA có văn bản xin chấm dứt việc thực hiện dự án đối với phần diện tích 80ha; Công ty HS Việt Nam đề xuất được nghiên cứu, lập quy hoạch toàn bộ diện tích 142ha là khu công nghiệp phức hợp theo mô hình khu công nghiệp hiện đại để bảo đảm dự án khả thi. Đối với Khu công nghiệp Phụng Hiệp, Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà đang tiến hành các thủ tục điều chỉnh quy hoạch là khu công nghiệp phức hợp, kết hợp nhiều chức năng, có nhà ở công nhân và dự kiến các hoạt động: Công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề…
Trước thực trạng trên, từ tháng 5-2017, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát năng lực, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện lập quy hoạch chi tiết phần diện tích còn lại (142ha) của Khu công nghiệp Bắc Thường Tín; hướng dẫn Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển HABECO khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Phụng Hiệp và Khu công nghiệp HABECO…
Như vậy, đã có những động thái tích cực cho các dự án trên địa bàn huyện Thường Tín. Tuy nhiên, mong muốn của người dân nơi đây là cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm ổn định diện tích canh tác và hạ tầng được đầu tư phù hợp cho từng loại hình sản xuất nông nghiệp nhằm đạt hiệu quả tốt nhất, góp phần cải thiện đời sống dân sinh và xây dựng nông thôn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.