Dù yêu cầu giảm phát thải ngày càng khắt khe song còn nhiều doanh nghiệp chưa hiểu và chưa quan tâm tới thị trường carbon.
Ngày 25-12, Báo Công Thương tổ chức hội thảo “Thị trường carbon: Cơ hội và thách thức”.
Ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho hay, thị trường carbon là vấn đề mới ở Việt Nam. Tuy nhiên ở khu vực, thị trường này đã vận hành được 10 năm.
"Thị trường carbon là hàng hoá có giá trị và tiềm năng lớn về cơ hội đầu tư, kinh doanh, song cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi chưa sẵn sàng", ông Hoàng Văn Tâm chỉ rõ.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang đưa ra những yêu cầu khắt khe với hàng hoá nhập khẩu, điển hình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU, thì vấn đề giảm phát thải khí nhà kính đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là doanh nghiệp vẫn chưa hiểu và chưa quan tâm nhiều đến hệ thống giao dịch phát thải (ETS) và thị trường carbon.
Bà Đặng Hồng Hạnh, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Tư vấn năng lượng và môi trường thông tin, có 53,16% doanh nghiệp có nghe về ETS và thị trường carbon nhưng không hiểu biết về nguyên tắc hoạt động cơ bản.
Cùng đó, có 26,12% doanh nghiệp có hiểu biết qua về nguyên tắc hoạt động cơ bản nhưng không hiểu được sự khác nhau giữa ETS và thị trường carbon; chỉ có 1,27% doanh nghiệp hiểu rõ cách ETS và thị trường carbon.
Song thực tế doanh nghiệp cũng có những khó khăn khi triển khai thị trường phát thải carbon. Cụ thể theo ông Vũ Mạnh Thắng, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đó là khó khăn về pháp lý và chính sách; thách thức về tài chính; hạn chế về công nghệ kỹ thuật; thiếu hụt nhân lực và chuyên môn...
Do đó, theo ông Thắng, cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, kiến nghị Chính phủ ban hành các quy định cụ thể, minh bạch; xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính và khuyến khích đầu tư từ các tổ chức quốc tế.
Doanh nghiệp nên đầu tư công nghệ sản xuất sạch, quản lý năng lượng hiệu quả; phát triển nguồn nhân lực về thị trường carbon; tham gia các hiệp hội, mạng lưới doanh nghiệp và kết nối với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực carbon...
Thời gian qua Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận hoặc hợp đồng với các đối tác quốc tế về chuyển nhượng tín chỉ carbon… trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành.
Ngoài ra, Bộ đã đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon một số lĩnh vực tiềm năng của ngành; rà soát cơ sở pháp lý, tình hình thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế về hoạt động quản lý, mua bán, trao đổi chứng chỉ năng lượng tái tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.