Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều điểm sáng tích cực

Hà Phong| 03/05/2018 06:54

(HNM) - So với năm 2016, kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2017 của các tỉnh, thành phố được đánh giá là có nhiều điểm sáng tích cực, cho thấy nhiều địa phương chú trọng tới công tác cải cách hành chính...

Hà Nội vươn lên vị trí thứ hai trong Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính. Trong ảnh: Người dân được hướng dẫn làm thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Nhật Nam


Hà Nội vươn lên vị trí thứ hai

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các bộ, ngành và địa phương được Bộ Nội vụ nghiên cứu, triển khai thực hiện có nhiều điểm mới so với các năm trước.

Cụ thể, chỉ số cải cách hành chính cấp bộ được cấu trúc rất chi tiết thành 7 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 79 tiêu chí thành phần. Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí, 81 tiêu chí thành phần. Bộ Nội vụ xây dựng và đưa phần mềm quản lý chấm điểm tới tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Do đó, kết quả phản ánh chính xác chất lượng cải cách hành chính của từng đơn vị và đánh giá được mức độ quan tâm của lãnh đạo đối với công tác này.

Theo kết quả được công bố, đứng đầu trong số các bộ, ngành về Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 92,36%. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu danh sách về chỉ số cải cách hành chính và luôn ở mức trên 90%. Ủy ban Dân tộc có kết quả chỉ số cải cách hành chính thấp nhất với giá trị 72,13%. So với kết quả năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế có số điểm tụt hạng mạnh nhất, lần lượt giảm 7,98% và 7,29%.

Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các tỉnh, thành phố đã cho thấy nhiều địa phương có những nỗ lực vượt bậc. Trong năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đã xuất sắc vượt lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính với kết quả điểm số 89,45%. TP Hà Nội cũng từ vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố năm 2016 vươn lên vị trí thứ hai. Đây là kết quả từ sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành thành phố.

Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công trên quan điểm thiết lập một hệ thống dùng chung đồng bộ, năm 2017, TP Hà Nội tập trung thực hiện “Năm kỷ cương hành chính” gắn với triển khai Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội.

Đặc biệt, trong năm 2017, Hà Nội tiếp tục triển khai tinh gọn, cắt giảm đầu mối tổ chức phù hợp với tình hình thực tiễn. Thành phố đã tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp, giúp giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị. Bên cạnh đó, có 611 dịch vụ công được triển khai ở mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 32%).

Nhiều mô hình mới được triển khai, tiêu biểu như chính quyền thân thiện ở quận Nam Từ Liêm; chấm điểm đánh giá bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của UBND cấp xã hằng tháng tại huyện Đan Phượng; sáng kiến liên thông cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Sở Kế hoạch và Đầu tư…

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo

Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh tận tình, chuyên nghiệp giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.


Tại hội nghị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã công bố báo cáo kết quả triển khai Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam với Bộ Nội vụ trong triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2017 (chỉ số SIPAS). Các bộ, ngành, địa phương tham dự đều bày tỏ sự thống nhất cao đối với kết quả điều tra.

Theo đó, các cơ quan đã phát 33.900 phiếu hỏi chia đều cho các tỉnh, thành phố. Với 30.900 phiếu thu về, kết quả phản hồi cho thấy, chỉ số hài lòng chung về công chức là 81,81%. Bên cạnh đó, 3,35% số người được hỏi khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc. Bên cạnh đó, cũng có 1,85% số người được hỏi khẳng định công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí theo quy định.

Chỉ số SIPAS của tỉnh đạt cao nhất là 95,75% (tỉnh Vĩnh Phúc), tỉnh thấp nhất là 67,70% (tỉnh Kon Tum). Nửa số tỉnh trong cả nước có chỉ số SIPAS nằm trong khoảng 79,76 - 95,75% và nửa số tỉnh có chỉ số nằm trong khoảng 67,70 - 79,76%. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của Hà Nội là 76,53%.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long, cũng như các địa phương trên cả nước, thời gian tới Quảng Ninh tiếp tục hướng tới mục tiêu bảo đảm sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính. Đây được coi là một mục tiêu quan trọng của kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo nghị quyết của Chính phủ đã đề ra. Theo đó, mỗi năm, sẽ có tối thiểu 10% chi phí thủ tục hành chính được cắt bỏ cho người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần phải lấy chỉ số cải cách hành chính hằng năm để đưa vào công tác chỉ đạo, điều hành, theo dõi của đơn vị. Chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công. Vì vậy, các cơ quan công quyền luôn phải coi đây là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Trong quá trình triển khai, cần đặc biệt tăng cường cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực người dân và doanh nghiệp quan tâm như liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công... Cùng với đó, các cấp, ngành cần nâng cao chất lượng, hiệu quả, nhân rộng việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, mô hình trung tâm phục vụ hành chính công...

Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các bộ, ngành chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 12 bộ, cơ quan ngang bộ có chỉ số cải cách hành chính trên 80%. Nhóm thứ hai gồm 7 bộ có kết quả từ 70 đến 80%, gồm: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông - Vận tải, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều điểm sáng tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.