(HNM) - Mùa đông năm nay thời tiết diễn biến phức tạp; nóng, lạnh, hanh khô khác thường, khiến người cao tuổi và trẻ nhỏ có nhiều nguy cơ mắc bệnh. Do vậy, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo, không tự ý điều trị, sử dụng thuốc, đồng thời tăng cường các biện pháp dự phòng bệnh tật.
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên cho trẻ để phòng tránh những bệnh có thể xảy ra trong mùa đông. |
Cảnh giác với bệnh đột quỵ
Thời tiết thất thường, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn là “thủ phạm” khiến các bệnh nhân cao huyết áp dễ đột quỵ. Trung bình mỗi ngày, tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân vào cấp cứu vì căn bệnh này. Chỉ tính riêng Phòng Cấp cứu 1, số bệnh nhân đột quỵ tăng khoảng 10-15% so với ngày thường. Tương tự, tại Khoa Đột quỵ (Bệnh viện Quân y 103), nếu như trước đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận 3-4 bệnh nhân nhập viện, những ngày gần đây, ngày nào cũng tiếp nhận 7-8 bệnh nhân, thậm chí 10 bệnh nhân.
Theo thống kê của Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E trung ương), chỉ riêng trong 2 ngày nghỉ cuối tuần qua, các bác sĩ ở đây đã cấp cứu thành công cho 11 bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim. GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E đánh giá, trong những ngày qua, thời tiết thay đổi thất thường, những người mắc các bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… rất dễ trở bệnh nặng. Nếu các bệnh nhân này không được can thiệp sớm, thì nguy cơ biến chứng và tử vong rất cao. Do vậy, khi có các biểu hiện: Đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi, đau lan lên vai, cổ, hàm…, hoặc lan dọc theo cánh tay, đặc biệt là tay trái thì cần được đưa đi cấp cứu tại các bệnh viện có chuyên khoa can thiệp tim mạch để được chẩn đoán và điều trị nhanh nhất, hạn chế nguy cơ tử vong.
Qua tìm hiểu được biết, nhiều trường hợp đột quỵ, nhồi máu não liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Đặc biệt, với người lớn tuổi, đêm hôm khi ra khỏi chăn ấm rất dễ bị nhiễm lạnh, huyết áp tăng đột ngột, dễ dẫn đến vỡ mạch máu não, đau thắt ngực. “Biện pháp quan trọng nhất để phòng đột quỵ là phải giữ ấm cơ thể, tắm bằng nước ấm trong những ngày lạnh. Những người bị cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, mắc các bệnh hô hấp mạn tính... đã được chẩn đoán thì phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ” - bác sĩ Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo.
Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng quốc gia) Phan Bích Nga: Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng giúp cơ thể tăng sức đề kháng, nhất là trong mùa đông. Cơ thể mỗi người cần được cung cấp đủ tinh bột, đạm động vật, chất béo, dầu, mỡ... Đặc biệt với trẻ nhỏ, ngoài các loại thực phẩm giàu đạm như: Thịt, cá, thịt đỏ..., cần chú ý bổ sung vitamin cho cơ thể. Vitamin có nhiều trong những loại rau, củ có màu sắc đậm: Rau màu xanh, quả màu đỏ, vàng... Ngoài ra, nên uống nước thường xuyên, đừng để cơ thể bị khát và bổ sung các loại men probiotic bằng việc ăn sữa chua để tốt cho hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng. |
Không đặt niềm tin vào “bác sĩ Google”
Đưa ra cảnh báo cho những dịch bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân ở miền Bắc, TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý, các bệnh đường hô hấp như: Cúm, sởi, rubella, quai bị, tiêu chảy do rotavirus ở trẻ dưới 5 tuổi dễ xảy ra ở thời điểm này. Đặc biệt, ở những nơi tập trung đông trẻ em như: Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học… cần đề phòng bệnh tay chân miệng.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết, nhóm bệnh trẻ em thường hay mắc liên quan đến thời tiết là bệnh lý đường hô hấp. Trong bệnh lý đường hô hấp có nhiều loại, từ bệnh lý đường hô hấp trên đến đường hô hấp dưới. Nếu nhẹ chỉ là cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi, viêm mũi họng cấp. Nếu không điều trị kịp thời sẽ chuyển xuống đường hô hấp dưới gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Nhóm bệnh lý thứ 2 hay gặp là dị ứng, hen phế quản, viêm da cơ địa… “Với viêm da cơ địa, trẻ cần phải được chăm sóc da hằng ngày. Sau khi tắm cần dưỡng da, để da trẻ mềm, đỡ kích thích, ngứa. Xà phòng nên chọn các sản phẩm trung hòa, ít tính axít có nguồn gốc tự nhiên, ít gây kích thích. Khi trẻ bị ngứa nặng, cần đưa trẻ đi khám. Các bậc phụ huynh tránh tự ý bôi thuốc không có hướng dẫn của thầy thuốc” - PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết thêm.
Với kinh nghiệm điều trị cho các bệnh nhi hàng chục năm qua, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, thay vì tìm đến bác sĩ, không ít bà mẹ khi thấy con có biểu hiện mắc bệnh lại tra cứu các biểu hiện bệnh, biện pháp chữa bệnh trên Google. Có những ông bố, bà mẹ do quá tin vào “bác sĩ google” đã khiến tình trạng bệnh của con nặng thêm, đến khi vào viện đã biến chứng viêm phổi nặng. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trẻ nhỏ khi đang bị bệnh, mẹ hãy quan sát nhịp thở con ngày ít nhất 3 lần. Mỗi lần ngực trẻ phình lên được tính là một nhịp. Nếu thấy trẻ thở nhanh hơn bình thường đã có dấu hiệu viêm phổi. Còn nếu đến mức thở rút lõm sâu lồng ngực thì đã viêm phổi nặng. Ngoài ra, cần chăm sóc trẻ cẩn thận để giảm thấp nhất nguy cơ mắc bệnh, bằng cách giữ ấm đúng cách cho trẻ. Khi đi đường cần mặc thêm áo tránh gió (tùy theo nhiệt độ mà mặc nhiều hay ít), đeo khẩu trang. Còn đến lớp, trong nhà, trẻ chỉ cần mặc một áo thu đông mỏng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.