Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều cựu quan chức của Ai Cập bị cấm xuất cảnh

TTXVN| 13/02/2011 13:26

Chính quyền Ai Cập ngày 12/2 cho biết đang tiến hành điều tra, thu thập các chứng cứ cáo buộc chống lại cựu Thủ tướng Ahmed Nazif, cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib el-Adli và Bộ trưởng Thông tin Anas El Fekky, người hiện đang bị quản thúc tại gia.

Cựu Thủ tướng Ahmed Nazif bị cấm rời khỏi Ai Cập. (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Ai Cập ngày 12/2 cho biết đang tiến hành điều tra, thu thập các chứng cứ cáo buộc chống lại cựu Thủ tướng Ahmed Nazif, cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib el-Adli và Bộ trưởng Thông tin Anas El Fekky, người hiện đang bị quản thúc tại gia.

Hãng tin chính thức MENA ngày 12/2 đưa tin Công tố viên Abdel Maguid Mahmoud của Ai Cập đã ra lệnh cấm cựu Thủ tướng Ahmed Nazif và đương kim Bộ trưởng Thông Tin Anas El Fekky rời khỏi đất nước do có những đơn kiện hai công dân này.

Công tố viên này cũng đã quyết định phong tỏa tài khoản của cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib el-Adli cũng như của gia đình ông vì những khiếu kiện liên quan đến nhận hối lộ. Ngoài ra, ông Abdel Maguid Mahmoud cũng đã đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập yêu cầu các nước châu Âu phong tỏa tài khoản và tài sản của các cựu Bộ trưởng Nhà ở, Công thương, Du lịch, Nội vụ và tỉ phú Ahmed Ezz.

Trong khi đó, theo kênh truyền hình Al Arabia TV, quân đội Ai Cập đã ra thông báo cấm 43 thành viên và cựu thành viên chính phủ đi lại hoặc rời khỏi đất nước khi chưa được phép.

Phát biểu trên đài truyền hình sau cuộc họp tối 12/2 của người đứng đầu Hội đồng Quân sự Tối cao với một số bộ trưởng, Thủ tướng Ahmed Shafiq cho biết ưu tiên hàng đầu của chính phủ chuyển tiếp do quân đội đứng đầu là sớm đưa các đơn vị cảnh sát trở lại làm việc, khôi phục trật tự an ninh và đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường. Thủ tướng Shafiq kêu gọi chính phủ chuyển tiếp và người dân Ai Cập đoàn kết trong giai đoạn chuyển giao quyền lực của đất nước.

Theo các nguồn tin nước ngoài, những người tổ chức các cuộc biểu tình lật đổ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ngày 12/2 đã thành lập một hội đồng có tên gọi Hội đồng Ủy trị để bảo vệ kết quả biểu tình và đàm phán với Hội đồng quân sự cấp cao hiện nắm quyền điều hành đất nước.

Nhiệm vụ của Hội đồng Ủy trị là tiến hành đối thoại với Hội đồng Quân sự Tối cao và đưa Ai Cập vượt qua giai đoạn chuyển tiếp. Hội đồng này có quyền kêu gọi tiến hành hoặc hủy bỏ các cuộc biểu tình tùy thuộc vào tình hình hiện nay diễn biến như thế nào.

Dư luận quốc tế tiếp tục có những phản ứng tích cực với cam kết của Hội đồng Quân sự Tối cao-chịu trách nhiệm quản lý các công việc của đất nước kể từ sau khi Tổng thống Mubarak từ chức-về việc chuyển giao hòa bình quyền lực cho một chính phủ dân sự được bầu một cách dân chủ đồng thời bảo đảm rằng Ai Cập sẽ tôn trọng các hiệp ước khu vực và quốc tế mà nước này đã ký.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh cam kết của giới cầm quyền quân sự Ai Cập về một cuộc chuyển giao hòa bình quyền lực cho một chính phủ dân sự.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết một ngày sau khi Tổng thống Mubarak bị lật đổ, Tổng thống Obama đã điện đàm, thảo luận với các nhà lãnh đạo Anh, Arập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ và hoan nghênh sự thay đổi "mang tính lịch sử" tại Ai Cập.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 12/2 đã hoan nghênh cam kết của giới điều hành chính phủ chuyển tiếp tại Ai Cập mà theo đó tôn trọng các hiệp ước đã ký kết giữa hai nước.

Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Thủ tướng Israel, hiệp ước hòa bình đang có hiệu lực với Ai Cập có lợi cho cả hai nước và là nền tảng cho hòa bình và ổn định cho toàn bộ khu vực Trung Đông.

Kênh truyền hình 10 của Israel cũng đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cùng ngày cũng đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập. Ai Cập là một trong hai nước Arập đã ký hiệp ước hòa bình với Israel năm 1979./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều cựu quan chức của Ai Cập bị cấm xuất cảnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.