Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều chính sách hỗ trợ

Đặng Loan| 28/05/2018 06:55

(HNM) - Ngành Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh đã đưa ra mục tiêu nâng diện tích rau, củ, quả có chứng nhận VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) đạt 30% tổng diện tích canh tác vào cuối năm 2018.


Yêu cầu khắt khe

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) TP Hồ Chí Minh, tính đến giữa tháng 5-2018, trên địa bàn có 1.108 tổ chức, cá nhân sản xuất rau, củ, quả đạt chứng nhận VietGAP với tổng diện tích đạt chứng nhận là 901ha. So với cuối năm 2017, diện tích canh tác VietGAP trên địa bàn tăng 90ha, chiếm hơn 25% diện tích canh tác rau, củ, quả toàn thành phố. Phần lớn diện tích trên là trồng rau màu, khai thác 5-6 vụ/năm nên diện tích gieo trồng sản phẩm VietGAP tương đương 5.000ha, sản lượng dự kiến gần 117.000 tấn/năm.

Đây là nguồn cung cấp rau, củ, quả an toàn cho người dân thành phố và các tỉnh lân cận. Sản phẩm không chỉ cung cấp vào hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi mà còn đưa vào các chợ truyền thống, bếp ăn tập thể.

Chợ phiên nông sản an toàn tại quận Bình Tân.


Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phước Bình, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh (đơn vị tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn TP Hồ Chí Minh”) cho biết, hiện các đơn vị thu mua theo hợp đồng dài hạn đều yêu cầu sản xuất phải có chứng nhận VietGAP. Chứng nhận VietGAP là yêu cầu đầu tiên, sau đó mới bàn đến vấn đề chất lượng, số lượng, giá cả, giao nhận, thanh toán…

“Do yêu cầu của bên thu mua khắt khe nên hợp tác xã cũng phải yêu cầu nông dân duy trì quy trình VietGAP. Bởi chỉ cần bên thu mua phát hiện sản phẩm không đạt sẽ bị phạt rất nặng”, ông Tùng lý giải. Theo các hợp tác xã, khi các siêu thị đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm có chứng nhận VietGAP, nếu đơn vị cung cấp không thực hiện đúng, đưa hàng không đúng tiêu chuẩn của VietGAP vào sẽ bị cắt hợp đồng ngay.

Hỗ trợ phát triển nông sản sạch

Trong chương trình phát triển rau an toàn, ngành Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh đưa ra mục tiêu đến cuối năm 2018 diện tích trồng rau, củ, quả có chứng nhận VietGAP đạt 30% tổng diện tích canh tác. Như vậy, những tháng tới thành phố sẽ phải tiếp tục nỗ lực gia tăng diện tích canh tác đạt chứng nhận VietGAP mới và hỗ trợ đầu ra để những vùng đã đạt chứng nhận duy trì sản xuất.

Theo ông Nguyễn Tấn Quý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, thời gian qua ngành Nông nghiệp đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông sản sạch. Trong đó, nổi bật là hỗ trợ lãi vay từ 60% đến 100% cho các dự án nông nghiệp phù hợp định hướng phát triển của thành phố.

Bên cạnh đó, nông dân, hợp tác xã được tư vấn, hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận VietGAP miễn phí, được hỗ trợ tạo website để quảng bá sản phẩm, tham gia hội chợ, triển lãm... Riêng các trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã dù không đầu tư canh tác nhưng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân sẽ được hỗ trợ 60% lãi vay tính trên giá trị hợp đồng.

Đặc biệt, để hỗ trợ cho đầu ra sản phẩm VietGAP cũng như kênh quảng bá sản phẩm này, Sở NN&PTNT thành phố đã tổ chức “Chợ phiên nông sản an toàn” dành riêng cho các loại nông sản có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm trong "Chuỗi thực phẩm an toàn TP Hồ Chí Minh". Chợ phiên đầu tiên được mở vào tháng 8-2016, đến nay đã được tổ chức tại 6 địa điểm (quận 10 có 2 điểm chợ phiên; quận 1, quận 6, Bình Tân và Tân Bình mỗi quận có 1 điểm chợ phiên). Mô hình này đã thu hút rất đông người tiêu dùng tham gia mua sắm vào mỗi cuối tuần, đạt doanh số 175-265 triệu đồng/phiên.

Do chợ phiên chỉ hoạt động vào cuối tuần, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường nên mới đây các đơn vị chủ lực đang tham gia bán hàng tại chợ phiên đã cùng nhau thành lập Công ty cổ phần Chuỗi nông sản Sài Gòn (SG S.A.P) để chuyên môn hóa và hoàn thiện chuỗi cung ứng nông sản sạch.

Ông Nguyễn Tấn Lực, Tổng Giám đốc Công ty SG S.A.P cho biết, Công ty sẽ thực hiện vai trò liên kết các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP… để cung cấp vào hệ thống cửa hàng thực phẩm tiện lợi, bán online, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn… Nhờ việc mua hàng trực tiếp từ người sản xuất và bán đến nơi tiêu thụ cuối cùng với số lượng lớn nên SG S.A.P có lợi thế về cạnh tranh, giúp nhà sản xuất tập trung sản xuất và thị trường có sản phẩm an toàn, giá hợp lý.

Vừa qua, dưới sự kết nối của các cơ quan chức năng, Công ty SG S.A.P đã ký được hợp đồng cung cấp nông sản đạt chuẩn “chợ phiên” vào các trường học tại quận Bình Tân, quận 6, mở rộng đầu ra cho nông sản sạch.

Tính đến giữa tháng 5-2018, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 1.327 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng 357 doanh nghiệp so với tháng 8-2016, là thời điểm UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 3907/QĐ-UBND về việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo Quyết định này, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp, riêng lĩnh vực nông nghiệp có 1.500 doanh nghiệp. Thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ 100% lãi suất cho dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp chứng nhận, hỗ trợ 60-80% lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư các loại cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chính sách hỗ trợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.