Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều bên chịu thiệt

Việt Nga| 08/04/2019 07:34

(HNM) - Một năm sau khi các nhà mạng dừng thanh toán thẻ cào trực tuyến cho các dịch vụ ngoài viễn thông, không chỉ các doanh nghiệp nội dung số trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, mà chính nhà mạng cũng bị thiệt hại.

Thanh toán thẻ cào trực tuyến trên các cổng thanh toán.


Thực tế cho thấy, các nhà mạng: Viettel, VNPT, MobiFone đều bị ảnh hưởng không nhỏ vì việc dừng thanh toán thẻ cào trực tuyến cho các dịch vụ ngoài viễn thông. Sau khi dừng bán thẻ cào điện thoại, Viettel phải điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu năm 2018 giảm khoảng chục nghìn tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu; VNPT và MobiFone cũng không đạt chỉ tiêu doanh thu như kế hoạch.

Với khối doanh nghiệp nội dung số, hầu hết đều chịu thiệt hại không nhỏ, điển hình là Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) khi mảng dịch vụ giải trí trực tuyến năm 2018 chỉ đạt doanh thu bằng 50% so với năm 2017 và khoảng 60% so với kế hoạch.

Với vấn đề thanh toán thẻ cào nói riêng và thanh toán trực tuyến nói chung, trong khi người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, thì hạ tầng thanh toán trực tuyến phát triển chưa tốt, độ phủ chưa cao, bắt nguồn từ việc các tổ chức tài chính chủ yếu mới chỉ phát triển mạng lưới ở thành thị.

Ngược lại, nhà mạng có lợi thế phủ sóng đến gần 100% dân số, cung cấp dịch vụ đến từng gia đình, từng cá nhân, lại có thế mạnh về công nghệ, do vậy thẻ cào điện thoại - vốn chỉ thanh toán cước viễn thông đã trở thành phương tiện thanh toán cho cả các dịch vụ nội dung, đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Hay nói cách khác, thẻ cào là phương tiện đem lại lợi thế trong cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội dung số.

Nguyên nhân khiến nhà mạng phải dừng thanh toán là vì trong vụ án đánh bạc Rikvip, thẻ cào điện thoại được coi là công cụ của các đối tượng vi phạm. Thêm nữa, dù tồn tại nhiều năm và được thanh toán công khai cho các dịch vụ nội dung số nhưng lại chưa có hành lang pháp lý, nên khi vụ Rikvip xảy ra, các nhà mạng phải dừng thanh toán thẻ cào trực tuyến cho các dịch vụ giá trị gia tăng, giải trí là tất yếu. Để duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp nội dung tự phát hành thẻ và thực tế đã giúp phần nào cải thiện được doanh thu, nhưng hiệu quả không cao vì chi phí cao và độ "phủ sóng" quá thấp.

Vậy, khi chưa có các quy định về pháp lý, các doanh nghiệp nội dung số cần phải làm gì? Ông Dương Thế Lương, Phó Tổng Giám đốc VTC đề xuất các bộ, ngành chức năng cần có quy định rõ và có chế tài cụ thể yêu cầu ngân hàng phải kết nối với các tổ chức trung gian thanh toán; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đối với dịch vụ trung gian thanh toán để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Bên cạnh đó, Chính phủ cho phép tiếp tục sử dụng thẻ cào viễn thông làm phương tiện thanh toán cho dịch vụ nội dung số theo hướng giao cho một số đơn vị có kinh nghiệm, năng lực quản lý dịch vụ nội dung số.

“Đó là cách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, trước sự cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, đồng thời ngăn chặn việc thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước”, ông Dương Thế Lương khẳng định.

Trước đó, trao đổi với báo chí, lãnh đạo các nhà mạng đều cho biết, việc cho phép các nhà mạng tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán số là tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước nâng cao cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường. Đáng chú ý, lãnh đạo Tổng công ty Viễn thông Viettel đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng "hạ tầng thanh toán số quốc gia" để các tổ chức tài chính có thể sử dụng hạ tầng, mạng lưới rộng khắp của các đơn vị viễn thông triển khai dịch vụ cho người dân với chi phí thấp.

Từ cuối năm 2018, tại các cuộc họp giao ban quản lý nhà nước, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhấn mạnh, Bộ sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan về vấn đề quản lý thẻ cào.

Gần đây nhất, tại giao ban quản lý nhà nước tháng 2-2019, đối với vấn đề thanh toán điện tử, thẻ cào, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục Viễn thông khẩn trương phối hợp, xây dựng, tham mưu ban hành các quy định quản lý về lĩnh vực này nhằm tạo cho doanh nghiệp viễn thông có không gian mới để phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bên chịu thiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.