Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều bang tại Mỹ ngừng kế hoạch mở cửa trở lại trước làn sóng lây nhiễm Covid-19

Minh Hiếu| 01/07/2020 06:26

(HNMO) - Tính đến 6h ngày 1-7, toàn thế giới có 10.563.221 ca mắc Covid-19, trong đó có 513.032 trường hợp tử vong và 5.782.243 bệnh nhân đã hồi phục.

EU đã công bố danh sách các nước được phép nhập cảnh vào khu vực này kể từ tháng 7.

Châu Mỹ

Mỹ vẫn là tâm dịch Covid-19 hàng đầu thế giới với 2.723.218 trường hợp dương tính và 130.069 người đã tử vong. Ít nhất 16 tiểu bang của nước này đã tạm ngừng kế hoạch mở cửa lại trước làn sóng lây nhiễm tăng mạnh và khó kiểm soát.

Ba người xin tị nạn tại các trại ở bang Matamoros (Mexico) thuộc khu vực biên giới với Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, đánh dấu các trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh tại khu vực có các đối tượng được xem là dễ bị tổn thương trong đại dịch. Kể từ khi dịch Covid-19 lan rộng tại Mexico, chính phủ nước này đã lo ngại về khả năng dịch bệnh bùng phát trong các khu trại tị nạn, nơi ước tính khoảng 2.000 người di cư sinh sống dọc theo bờ sông Rio Grande.

Hãng hàng không Air Canada cho biết sẽ tạm dừng khai thác hơn 30 tuyến bay nội địa do nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh. Hãng hàng không lớn nhất Canada cũng dự báo công suất hoạt động trong quý III năm nay sẽ giảm ít nhất 75% so với cùng kỳ năm 2019. Trước đó, Air Canada cũng cho biết đã cắt giảm khoảng 20.000 nhân viên, tương đương 50% tổng số nhân viên của hãng và loại bỏ 79 máy bay ra khỏi đội bay, đóng cửa 8 trạm tại các sân bay khu vực. Quốc gia Bắc Mỹ này hiện có tổng cộng 104.144 ca mắc Covid-19, trong đó có 8.591 người đã tử vong.

Châu Âu

Ngày 30-6, Liên minh châu Âu (EU) thông báo mở cửa biên giới với 15 nước gồm Algeria, Australia, Canada, Gruzia, Nhật Bản, Montenegro, Morocco, New Zealand, Rwanda, Serbia, Hàn Quốc, Thái Lan, Tunisia, Uruguay, Trung Quốc. Trong đó riêng Trung Quốc có kèm điều kiện Bắc Kinh cho phép khách du lịch EU vào nước này. EU cũng đã quyết định kéo dài lệnh cấm đi lại đối với công dân Mỹ thêm ít nhất 2 tuần, tùy theo diễn biến của dịch tại nước này.

Ngày 30-6, Hãng sản xuất máy bay Airbus tiết lộ kế hoạch cắt giảm 15.000 việc làm trong vòng 1 năm, bao gồm 900 vị trí đã bị cắt giảm tại Đức trong bối cảnh hoạt động hàng không bị tê liệt do đại dịch. 

Châu Á

Ngày 30-6, Liên hợp quốc đã huy động 7,7 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo cho Syria, quốc gia bị tàn phá nghiêm trọng bởi xung đột triền miên và đang tiếp tục đứng trước một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng do giá lương thực tăng vọt. Con số này cao hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu, trong bối cảnh nhiều chính phủ cũng đang đối mặt với cú sốc kinh tế do dịch Covid-19, dẫn tới sự sụt giảm mạnh trong các khoản viện trợ nhân đạo cho các quốc gia khó khăn.

Cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo kéo dài chương trình then chốt của chính phủ nhằm hỗ trợ người nghèo trong cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra đến cuối tháng 11. Với quyết định này, khoảng 800 triệu người Ấn Độ sẽ nhận được khẩu phần ăn miễn phí trong 5 tháng nữa.

Ngày 30-6, Bộ Y tế Iran nhận định nước này vẫn chưa bước ra khỏi đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên. Theo Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari, đỉnh dịch hiện đang xuất hiện tại một số tỉnh và thành phố ở khu vực biên giới, nơi dịch bệnh chưa lan tới trong những tháng đầu tiên bùng phát. Do đó, đây vẫn là làn sóng lây nhiễm đầu tiên tại nước này và làn sóng thứ hai sẽ chỉ xuất hiện khi các ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng trở lại ở những vùng đã qua đỉnh dịch. Trước đó, vào ngày 29-6, Iran ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục, với thêm 162 trường hợp. Nước này hiện có 227.662 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 10.817 bệnh nhân tử vong và 188.758 người đã hồi phục.

Ngày 30-6, Indonesia ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao kỷ lục kể từ khi dịch xuất hiện tại nước này, với 71 người thiệt mạng. Đông Java, Jakarta, Nam Kalimantan, Tây Java và Nam Sulawesi là những địa phương ghi nhận số người tử vong do Covid-19 cao nhất. Indonesia hiện là tâm dịch Covid-19 lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á và các ca mắc mới vẫn có xu hướng gia tăng, trong bối cảnh chính phủ nước này đang tiến tới giai đoạn nới lỏng các biện pháp hạn chế để khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội.

Theo quyết định tại cuộc họp toàn thể Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan do Thủ tướng Prayut Chanocha chủ trì, từ ngày 1-7, nước này mở cửa trở lại 37 trạm kiểm soát biên giới với tất cả các nước láng giềng gồm Myanmar, Lào, Campuchia và Malaysia nhằm nối lại hoạt động vận tải hàng hóa và thương mại xuyên biên giới. Tuy nhiên, du khách vẫn chưa được phép nhập cảnh thông qua những trạm kiểm soát biên giới này. Cũng từ ngày 1-7, Cơ quan quản lý hàng không Thái Lan dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay quốc tế và cho phép một số du khách nước ngoài nhập cảnh, trong đó có những người đến nước này vì lý do công việc, công dân nước ngoài có vợ hoặc chồng là người Thái Lan, những người có giấy phép lao động hoặc thường trú tại Thái Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bang tại Mỹ ngừng kế hoạch mở cửa trở lại trước làn sóng lây nhiễm Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.