(HNM) - Không thể phủ nhận được hiệu quả của dịch vụ sổ liên lạc điện tử (SLLĐT), song trong quá trình triển khai đã bộc lộ một số hạn chế.
Thắt chặt mối liên kết giữa gia đình - nhà trường
Trong những năm qua, trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội có rất nhiều trường của các bậc học: THPT, THCS và Tiểu học triển khai dịch vụ SLLĐT và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Phụ huynh học sinh đã quản lý sát sao việc học tập của con em mình tại nhà trường hơn. Các thông tin: kết quả học tập, nền nếp học tập, sức khỏe của học sinh… đều được thông báo kịp thời, đầy đủ qua SLLĐT; từ đó ý thức, kết quả học tập của học sinh được nâng lên… Chị Nguyễn Thị Liên, PH học sinh Trường THCS Giảng Võ cho biết: Từ ngày nhà trường triển khai SLLĐT, mọi thông tin về con tôi ở nhà trường đều được thông báo qua số điện thoại di động của gia đình. Do vậy, ngoài việc biết được ý thức học tập của con, gia đình còn được biết các điểm thi, điểm kiểm tra của con mình. Đặc biệt, những thông báo đột xuất về thay đổi giờ học, môn học của nhà trường được nhắn tin kịp thời, giúp PH quản lý con chặt chẽ hơn. Anh Nguyễn Văn Thanh, PH học sinh Trường THCS Trần Đăng Ninh (Hà Đông) cũng cho hay: Trước đây, mỗi khi con tôi đi học, cả nhà đều lo không biết con mình có đi đến nơi về đến chốn không, nhưng nhờ có SLLĐT mà nỗi lo đó đã được giải tỏa. Ngoài theo dõi qua thời khóa biểu hằng ngày, nhà trường luôn thông tin kịp thời những thay đổi về thời gian học, lịch kiểm tra, lịch thi học kỳ… ở trường, giúp gia đình quản lý con em dễ dàng hơn mà lại hiệu quả.
Nhiều hoạt động của học sinh được nhà trường thông tin tới phụ huynh qua sổ liên lạc điện tử. Ảnh: Linh Tâm
Về vấn đề này, hiệu trưởng một trường THCS ở quận Đống Đa khẳng định: SLLĐT đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Kết quả học tập, kỷ luật đạo đức của học sinh đều được nhà trường thông tin về cho gia đình hằng ngày, nên ý thức học tập của các em được nâng lên rõ rệt. Đáng nói, từ ngày có dịch vụ SLLĐT, tình trạng học sinh bỏ tiết, đi học muộn, đánh nhau, làm việc riêng trong giờ học… cũng giảm hẳn.
Vẫn nhiều bất cập
Hiệu quả của SLLĐT đã rõ, song quá trình triển khai dịch vụ này cũng đã nảy sinh không ít bất cập. Một PH học sinh Trường THCS Đống Đa than thở: Có những ngày PH học sinh nhận được tới 5-6 tin nhắn từ phía nhà trường, mà hàm lượng thông tin không nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và tâm lý của phụ huynh, kiểu như "hôm nay học sinh A quên sách", "hôm nay giáo viên trả bài kiểm tra 15 phút", hay "học sinh quên mang dụng cụ học tập"...
Vấn đề khác mà các PH quan tâm là mức thu phí hằng tháng cao và không thống nhất giữa các trường học. Có trường thu 35.000 đồng/thuê bao/tháng, nhưng có trường lại chỉ thu 15.000 - 20.000 đồng/thuê bao/tháng. Lượng tin nhắn mà PH nhận được của các trường cũng khác nhau. Chị Nguyễn Thị Mai, có con học lớp 1, Trường Tiểu học Đoàn Kết (Hà Đông) tâm sự: Dù đã nộp đủ 100.000 đồng tiền dịch vụ SLLĐT cả học kỳ ngay từ đầu năm (5 tháng, mỗi tháng 20.000 đồng), nhưng từ đó đến nay gia đình chị mới nhận được khoảng 4-5 tin nhắn. Nếu tính mức phí 400 đồng/tin nhắn thì gần 2 tháng qua, số tiền chi cho việc nhắn tin cho chị Mai cũng chỉ hết có 2.000 đồng. Vậy số tiền còn lại được chi vào những việc gì? Hầu hết các phụ huynh học sinh khi được hỏi cũng đều có thắc mắc tương tự. Nhiều PH học sinh cho rằng, việc thu phí dịch vụ SLLĐT không nên đổ đồng trên đầu thuê bao như hiện nay, bởi không ít học sinh chăm ngoan, học giỏi thì lượng tin nhắn gửi đến PH ít hơn so với số học sinh nghịch ngợm, học yếu… Ngoài ra, việc nhắn sai thông tin về học sinh tới PH cũng khiến nhiều PH chưa thực sự tin tưởng dịch vụ SLLĐT.
Sau một thời gian triển khai, một số nhà trường đã rút kinh nghiệm giữa đơn vị cung cấp dịch vụ, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn về nội dung thông tin gửi tới PH. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của dịch vụ SLLĐT, về lâu dài, ngành giáo dục - đào tạo cần có sự chỉ đạo thông suốt, thống nhất cả về nội dung tin nhắn cũng như giá dịch vụ ở tất cả các nhà trường. Các nhà trường cũng phải xây dựng quy chế phối hợp hoạt động, phân rõ trách nhiệm trong việc tổng hợp, cung cấp thông tin tới PH.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.