Góc nhìn

Nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên

Đình Hiệp 10/01/2024 - 06:52

Xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm hướng tới phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm nên từ năm 2014 đến nay, hằng năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với các mục tiêu, giải pháp cụ thể, bám sát hệ thống chỉ số xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín.

Bức tranh tổng thể nền kinh tế nước ta từ nửa cuối năm 2022 và năm 2023 cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những rủi ro do các yếu tố bên ngoài, doanh nghiệp còn phải đối mặt với những bất cập nội tại trong nước; trong đó, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết.

Để kịp thời tháo gỡ những rào cản trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Với 4 quan điểm chỉ đạo lớn, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển nhằm nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.

Để nghị quyết quan trọng trên sớm đi vào cuộc sống, cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn thể chế cho doanh nghiệp. Trước hết, tập trung tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ban hành các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất...

Cùng với đó là chủ động tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Tổ chức công tác truyền thông về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

Song song đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt là, công khai các kết quả kiểm tra, giám sát; phân công đơn vị làm đầu mối thực hiện tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các bộ, ngành và địa phương.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như “thăng hạng” trên các bảng xếp hạng ngày càng khó khăn và đòi hỏi nỗ lực cao hơn của cả hệ thống chính trị. Mặt khác, có nhiều chỉ số phải nỗ lực liên tục trong một số năm mới có thể cải thiện được, nhất là các chỉ số liên quan tới hạ tầng, nhân lực và các yếu tố môi trường, xã hội.

Vì vậy, trong năm 2024 này và những năm tiếp theo, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương trong cải cách môi trường kinh doanh, cũng như sự chia sẻ và hợp tác từ phía cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.