(HNM) - Cách đây chưa lâu, có địa phương tổ chức huấn luyện xử lý tình huống thực tiễn cho bí thư, chủ tịch phường. Đây là điều được cho là mới mẻ, thậm chí là "sự lạ".
Thực ra, đây là cách đào tạo cán bộ mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thông thường, cán bộ mới được bầu vào chức danh bí thư, chủ tịch phường không dễ dàng bắt nhịp được ngay với công việc. Cán bộ lãnh đạo cơ sở thường xuyên phải xử lý những vấn đề mới nảy sinh, nhiều việc phức tạp, nhạy cảm. Vì vậy, việc tổ chức ra các lớp học đào tạo, huấn luyện bí thư, chủ tịch; đặc biệt là hướng dẫn xử lý tình huống cụ thể là cực kỳ cần thiết. Nó không chỉ giúp cho cá nhân cán bộ lãnh đạo nâng cao kỹ năng, trình độ lãnh đạo, quản lý; bắt nhịp nhanh với công việc, không bị động với các tình huống đặt ra. Qua đó còn giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị…
Công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ luôn được xác định là một nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với các cấp ủy, chính quyền. Tuy nhiên, nhiều cấp ủy thiếu sáng tạo, chậm đổi mới công tác này. Đây là một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng không ít nơi cán bộ cơ sở phản ứng chậm trước những vấn đề mới phát sinh, xử lý kém hiệu quả những vụ việc nhạy cảm. Tình trạng khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người cũng có phần không nhỏ xuất phát từ xử lý yếu kém của cán bộ cơ sở.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: Đào tạo, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm, đầu tư cho công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ. Nhưng đây là công việc chung, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp ủy đảng. Đặc biệt, khi có những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong đào tạo, huấn luyện cán bộ thì cần nhân rộng để không còn là việc lạ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.